Quyết liệt triển khai các giải pháp bình ổn thị trường vàng

Sáng 6-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn mà đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có giải pháp bình ổn thị trường vàng.

Kinh tế - xã hội trong 5 tháng đạt kết quả tích cực

Toàn cảnh phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6-6. Ảnh: Quochoi.vn.

Toàn cảnh phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6-6. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tính cực. Trong đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (ngưỡng Quốc hội giao 4-4,5%). Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả ba khu vực.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt hơn 305,5 tỷ USD, tăng 16,6%; xuất siêu trên 8,01 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ và cao nhất 3 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực khi gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 5, cao hơn số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Nhờ đó, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Trong 5 tháng đầu năm, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đặc biệt là khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả cụ thể, gắn đánh giá thực chất với đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ.

Chính phủ cũng ban hành đồng bộ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành, báo cáo Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm các luật: Đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, các tổ chức tín dụng để khơi thông các nguồn lực đất đai, vốn, phục hồi thị trường bất động sản. Tập trung giải quyết các dự án vướng mắc pháp lý để giải phóng nguồn lực nhà nước, xã hội cho phát triển…

Đồng thời, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả...

Phát huy tiềm năng, củng cố và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua thúc đẩy đầu tư công các dự án hạ tầng, dự án động lực, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Trong đó, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước; nắm chắc tình hình để cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, hàng hóa thiết yếu...

Ngay trong tháng 6-2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã báo cáo làm rõ 8 nhóm vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng mất an toàn cháy, nổ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với việc bảo đảm công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn sáng 6-6. Ảnh: Quochoi.vn.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn sáng 6-6. Ảnh: Quochoi.vn.

Trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng như đấu thầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế…

Từ ngày 3-6-2024, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Kết thúc phiên ngày 5-6-2024, giá vàng SJC đã giảm, bán ra ở mức 77,98 triệu đồng/lượng (giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 4-6).

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, đảm bảo sử dụng các công cụ điều hành của Nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Đầu tư 2,5 tỷ USD phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Với quan điểm “Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg chỉ đạo cụ thể các bộ, ngành, địa phương giải quyết khâu yếu mà đại biểu chỉ ra là liên kết ngành, liên kết vùng và địa phương để tạo ra động lực mới, sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, hiệu quả. Qua đó, từng bước khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún bằng các biện pháp công trình, phi công trình với cách tiếp cận tổng thể, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế.

Chính phủ cũng đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030...

Đồng thời, sửa đổi Luật Địa chất khoáng sản để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Trước mắt, điều phối và thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép tại các nghị quyết của Quốc hội; nghiên cứu thử nghiệm, xử lý môi trường sử dụng nguồn cát biển, tận thu các nguồn cát từ các hoạt động nạo vét luồng lạch nội thủy, cửa sông. Về lâu dài, đối với Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống đường cầu cạn, phát huy tiềm năng giao thông thủy.

Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường nỗ lực nội sinh để giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, sớm hoàn thiện các quy định về định giá, quản lý, giao dịch tín chỉ carbon, phát triển thị trường carbon, nghiên cứu khả năng áp dụng thuế carbon; thu hút và sử dụng hợp lý nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn để giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quyet-liet-trien-khai-cac-giai-phap-binh-on-thi-truong-vang-668512.html