Quyết liệt trong việc thẩm tra các dự án luật, không 'chạy theo' số lượng

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, không chỉ các bộ, ngành mà Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thời gian tới cũng cần nền nếp, kỷ cương, quyết liệt trong việc thẩm tra các dự án luật để thể hiện chính kiến, với mong muốn cuối cùng là 'luật, nghị quyết ra đời phải có chất lượng và tuổi thọ'.

Ngày 12/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nghiêm túc triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương trong công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.

Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp cơ bản bảo đảm tiến độ, không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được Chính phủ tăng cường chỉ đạo triển khai và áp dụng nhiều giải pháp mới hiệu quả, chủ động, khẩn trương hơn ngay từ khâu lập danh mục, phân công soạn thảo, triển khai thi hành đến theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải trình ở từng kỳ họp Quốc hội rất lớn nhưng chưa bảo đảm sự cân đối giữa các lĩnh vực; nhiều dự án được bổ sung vào Chương trình sát thời điểm tổ chức kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, số lượng văn bản ban hành chậm, không bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với luật còn nhiều.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, phải đổi mới việc triển khai, kiểm tra thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cách “tới nơi, tới chốn”. “Chỗ nào làm tốt, chỗ nào làm chưa tốt? Làm tốt thì phải có biểu dương, khen thưởng kịp thời, còn chỗ nào làm chưa tốt thì phải phê bình, kiểm điểm”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc xây dựng pháp luật, quan tâm đến việc triển khai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị “gốc” vấn đề xây dựng pháp luật phải từ bộ, ngành. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng, Thứ trưởng và các vụ có liên quan bám sát, xem xét từng khoản, điều, từng chương của dự thảo luật, nghị quyết để đảm bảo chất lượng. Nếu các cơ quan trình làm kỹ lưỡng thì khi gửi sang Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội mới thẩm tra trúng, đúng các vấn đề. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, không chỉ các bộ, ngành mà Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thời gian tới cũng cần nền nếp, kỷ cương, quyết liệt trong việc thẩm tra các dự án luật để thể hiện chính kiến, với mong muốn cuối cùng là “luật, nghị quyết ra đời phải có chất lượng và tuổi thọ”.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ ngay từ khâu xây dựng đến khâu triển khai, thực hiện luật, nghị quyết.

 Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Ghi nhận báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ. Đồng thời, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải làm tốt từng khâu, từng công đoạn, đạt yêu cầu về chất lượng, không chạy theo số lượng, lấy quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm…

“Chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không bị chi phối, tác động bởi bất cứ một lợi ích nhóm cục bộ nào trong xây dựng pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ phương án để xử lý tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, gắn trách nhiệm ban hành nợ văn bản với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ cần quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật theo đối tượng, theo vùng miền, đồng thời tăng cường đăng tải tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật lên mạng xã hội để nhân dân kịp thời, nhanh chóng nắm được nội dung các văn bản pháp luật hiện hành.

Về công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, trong kỳ báo cáo, qua kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đối với 2.948 văn bản đã phát hiện, kết luận kiến nghị xử lý 138 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền và nội dung. Kết quả này cho thấy, số lượng văn bản có quy định trái pháp luật vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhưng đến nay mới chỉ xử lý được 80/138 văn bản, số văn bản chưa được xử lý là 58 văn bản. Do đó, đề nghị Chính phủ nêu rõ nguyên nhân đến nay còn 58/138 văn bản trái pháp luật chưa được xử lý.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quyet-liet-trong-viec-tham-tra-cac-du-an-luat-khong-chay-theo-so-luong-post312055.html