Quyết liệt truy quét hàng gian, hàng giả

Ðể đẩy lùi hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu trong dịp cuối năm, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác điều tra, xử lý, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, kiên quyết không cho phép tồn tại 'vùng cấm' trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, từ nay đến cuối năm 2019, tình hình buôn lậu, trữ hàng lậu, gian lận thương mại sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp. Trên thị trường, các mặt hàng lậu, giả, nhái nhãn hiệu sẽ gia tăng số lượng là quần áo, giày dép, đồng hồ, mỹ phẩm, mắt kính, rượu, bia, thuốc lá, đường cát... Ðể loại trừ hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, các cơ quan chức năng của thành phố đã tăng cường tổng kiểm tra và thu giữ số lượng lớn hàng hóa gian lận thương mại, chủ yếu là hàng tiêu dùng. Ngày 6-11, Tổng cục Quản lý thị trường cùng Cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra 29 điểm kinh doanh hàng hóa thời trang tại chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (quận 1). Tại 10 điểm kinh doanh ở chợ Bến Thành, lực lượng quản lý thị trường tạm giữ hơn 800 đơn vị sản phẩm đồng hồ, túi xách, ví... nghi giả mạo các nhãn hiệu của hãng Rolex, Dior, Hermes, Gucci, LV, Tag Heuer… và 49 túi xách đều là hàng hóa nhập lậu. Tại 19 điểm kinh doanh ở Trung tâm thương mại Saigon Square, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 1.000 túi xách, ví, đồng hồ, khăn choàng, thắt lưng, giày dép… nghi giả mạo các nhãn hiệu Rolex, Hublot, Tag Heuer, Gucci, Chanel, LV, Hermes…; hơn 500 chiếc đồng hồ, 30 dây thắt lưng là hàng nhập lậu.

Ðợt truy quét này nằm trong chiến dịch kiểm tra chuyên đề do ngành quản lý thị trường phát động nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đang diễn ra phổ biến ở các thành phố lớn, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Trước đó, đại diện hàng mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp L’Oreal đã cảnh báo về sự xuất hiện trên các trang mạng và trang thương mại điện tử những sản phẩm chăm sóc da giả mạo một thương hiệu thuộc L’Oreal. Ðồng thời, trên thị trường thành phố cũng xuất hiện sản phẩm sáp vuốt tóc giả thương hiệu L’Oreal, chỉ là sản phẩm trôi nổi không in nơi sản xuất, thành phần nguyên liệu nhưng vẫn được bán công khai trên các trang thương mại điện tử và tại chợ truyền thống.

Hoạt động kinh doanh, tàng trữ hàng nhập lậu, gian lận thương mại diễn ra ở nhiều lĩnh vực với nhiều mức độ khác nhau và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Theo Cục Hải quan thành phố, trong 10 tháng đầu năm 2019, lực lượng hải quan đã phát hiện 1.262 vụ vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1.513 tỷ đồng, vi phạm chủ yếu là buôn lậu và gian lận thương mại. Qua kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan thành phố đã thu 149,4 tỷ đồng sau 10 tháng. Từ đầu năm đến nay, chính quyền thành phố và Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra về xuất xứ hàng hóa xuất - nhập khẩu, từ đó nhiều lô hàng gian lận xuất xứ "khủng" đã bị thu giữ. Ngày 7-11, tại cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn - khu vực I đã dừng thông quan, tổ chức khám xét bốn công-ten-nơ hàng hóa xuất khẩu đi Hàn Quốc có dấu hiệu bất thường. Lô hàng này được hệ thống phân luồng xanh (thông quan miễn kiểm tra hàng hóa), của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Lâm An (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Trên tờ khai hải quan doanh nghiệp khai báo hàng hóa là ống thép tròn mạ kẽm, thuế suất thuế xuất khẩu 0%. Tuy nhiên, toàn bộ hàng hóa thực tế là vỏ nhôm phế liệu, có mức thuế suất thuế xuất khẩu 22%. Lô hàng này trị giá gần ba tỷ đồng, số tiền thuế phải đóng hơn 500 triệu đồng. Trước đó, Chi cục Hải quan cũng đã phát hiện, ngăn chặn, xử phạt vi phạm hành chính, truy thu tổng số thuế gần 1,5 tỷ đồng đối với hai lô hàng nhập khẩu được hệ thống phân luồng xanh của hai doanh nghiệp khác.

Để chống tình trạng "ghi nhầm" xuất xứ hàng hóa xuất - nhập khẩu, Cục Hải quan thành phố đã yêu cầu các đơn vị hải quan trực thuộc triển khai xây dựng kế hoạch trọng tâm về công tác kiểm soát hải quan, chống buôn lậu, quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp những quy định pháp luật về xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu… Mới đây, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại, trọng tâm là kiểm soát chặt hệ thống kho - bãi chứa hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn thành phố. Theo Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Thế Anh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sẽ rất phức tạp, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển. Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra nhiều kho hàng nghi chứa hàng nhập lậu tại thành phố và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các vi phạm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42209002-quyet-liet-truy-quet-hang-gian-hang-gia.html