Quyết liệt từ gốc
Trước tình hình rác thải, trong đó có rác thải nhựa gây ô nhiễm, nguy cơ đe dọa môi trường nghiêm trọng, thời gian qua Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, thói quen tùy tiện của người dân hay bệnh hình thức, hành chính, chậm chễ, thiếu trách nhiệm từ các cá nhân, đơn vị… cũng đang là thứ rác khó xử lý.
Mục tiêu đề ra đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần sẽ khó đạt được nếu không quyết liệt ngay từ bây giờ.
Cùng với đời sống phát triển thì việc rác thải ngày một tăng là điều bình thường. Vấn đề nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải, nhất là rác thải nhựa cũng là việc tất nhiên. Và ở ta, câu chuyện quá tải các bãi chôn lấp rác thải, việc người dân phản ứng không chỉ ở Thủ đô mà còn là chuyện của các địa phương trong cả nước. Liên tục đó đây là các điểm nóng về rác thải khi rác thải không được vận chuyển, xử lý kịp thời. Rác thải gây ô nhiễm ở nhiều nơi, trên đất liền, bãi biển. Nếu như 5 hay 10 năm nữa, mà những bất cập hiện nay không được xử lý, thì vấn đề ô nhiễm rác thải, hệ lụy từ rác thải thật khó lường.
Những năm qua, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ cũng như các quy định của pháp luật đã liên tục ban hành. Thế nhưng thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nhựa, thói quen xả rác bừa bãi vẫn chưa được người dân từ bỏ. Sức ì, thiếu trách nhiệm, ý thức của cán bộ chính quyền cũng khó chuyển. Chưa nói đến nông thôn, ngay tại Thủ đô, nhiều phố lớn, bên cạnh thùng rác công cộng vẫn những bọc lớn, bọc nhỏ. Không ít các ngõ phố dưới các tấm biển “Cấm xả rác”, hay “Xả rác ở đây bị phạt…” vẫn là những túi rác vứt bừa bãi. Một người đi ngoài phố, bỏ túi rác ra vệ đường và coi đó như việc bình thường, còn rất nhiều người, xe đi qua vẫn với thái độ dửng dưng…
Phải chăng lâu nay việc tuyên truyền về môi trường, về rác thải vẫn chưa thấm đến nhiều người dân, cơ quan, đơn vị; các chế tài pháp luật vẫn chưa đủ, chưa nghiêm? Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật liên quan cũng chỉ quy định chung chung, chưa có các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể, nhất là vấn đề xử phạt mang lại hiệu quả. Thói quen tùy tiện, vi phạm không bị xử lý, không bị xử lý nghiêm thì thói quen đó khó thay đổi, pháp luật dễ bị khinh nhờn.
Để chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, pháp luật đi vào cuộc sống, có lẽ phải bắt đầu bằng những vấn đề, việc làm cụ thể, thiết thực. Không phải là những việc mơ hồ chung chung như ý tưởng phát cho mỗi gia đình một cái lu để đựng nước mưa chống lụt, mà là nên phát cho mỗi gia đình dụng cụ đựng rác thải trong đó yêu cầu phân loại rác thải hữu cơ, rác thải rắn, rác thải nhựa… cùng các quy định cụ thể. Mỗi gia đình, công dân ở Nhật Bản, hay Hàn Quốc đều phải tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề phân loại rác thải từ hộ gia đình, lẽ nào người Việt ta lại không làm được? Quy định xử phạt đối với người xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, lẽ nào không áp dụng được ở đất nước ta?
Tuân thủ pháp luật, không xả rác bừa bãi, phân loại rác thải ngay từ các gia đình, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đó là văn hóa. Mỗi người ai cũng có ý thức văn hóa như vậy thì xã hội sẽ văn minh. Ai cũng muốn mình là người có văn hóa, thôn làng, địa phương mình có văn hóa. Một khu phố, hay một thôn, một xóm làm được, rồi cả quận, huyện, tỉnh, thành phố và cả nước sẽ làm được. Không ít em bé khi trên đường uống một hộp sữa đã yêu cầu bố mẹ tìm cho kỳ được thùng rác để bỏ vỏ hộp vào, và không bao giờ vứt rác ra đường. Thói quen phải được xây dựng, hình thành ngay từ tuổi ấu thơ. Và đến một em bé còn có ý thức như vậy, lẽ nào người lớn còn giữ thói quen xấu, không lưu tâm?
Nhiều nơi trên thế giới hiện đang hưởng ứng phong trào: Không rác. Xây dựng ý thức, thói quen có trách nhiệm với cuộc sống của mình, với xã hội loài người nói chung. Bea Johnson, một người gốc Pháp, sinh sống ở Mỹ, đã viết cuốn sách Zero waste home (Nhà không rác) về cách sống, cách xử lý, quản lý rác, được dịch ra 20 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt và được hàng triệu độc giả trên thế giới đón nhận. Mong muốn về một xã hội không rác, bắt nguồn từ lối sống không rác cũng đã được nhiều người hưởng ứng. Rác thải không chỉ còn là nỗi lo, mà trở thành nguồn tài nguyên khi biết quản lý nguồn, tái chế, sử dụng hiệu quả.
Nước ta chủ yếu vẫn một nước nông nghiệp. Một thời gian dài người nông dân không biết đến rác thải, nhất là rác thải công nghiệp khi những đồ nhựa, nilon ít có trên thị trường. Mọi thứ rác thực vật như lá rau, lá cỏ, rơm rạ hoặc được sử dụng cho vật nuôi hay ủ làm phân chuồng, phân xanh, trở về nuôi dưỡng cây trồng, làm màu mỡ thêm cho đất. Nếu như việc xử lý rác thải bằng việc đưa trở về với nguồn gốc của nó thì mọi vướng mắc, bất cập sẽ được giải quyết triệt để. Rác thực vật được xử lý để trở về với đồng quê, rác công nghiệp như rác thải nhựa phải trở về với các nhà máy nơi ra đời của nó để tái chế…Và nơi trung chuyển, để cho dây chuyền vòng quay ấy suôn sẻ thì phải là ý thức con người tác động và pháp luật điều chỉnh. Nếu như chỉ một việc đơn giản là phân loại rác từ các hộ gia đình, hay ném rác vào thùng mà không làm được thì câu chuyện về rác thải, về xây dựng nếp sống văn hóa, xã hội văn minh với những nỗi lo của nó hãy còn dài dài.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/quyet-liet-tu-goc-tintuc442383