Quyết liệt xử lý vi phạm thực phẩm dịp Tết
Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm, góp phần quan trọng bảo đảm sức khỏe nhân dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP Hà Nội sẽ khoanh vùng, lựa chọn các địa bàn trọng điểm để kiểm tra đột xuất.
Là thành phố đông dân thứ 2 trên cả nước, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được Hà Nội quan tâm, đặc biệt là vào các dịp cuối năm, lễ tết khi nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của người dân tăng cao.
Cụ thể, hàng hóa được bày bán nhiều ở các đại lý, siêu thị, chợ… với đủ các loại mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm được xử lý và hút chân không, thực phẩm đóng hộp, trái cây, bánh, kẹo, rượu… Lượng hàng hóa được tiêu thụ nhiều nhất là nhóm thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, thịt gia cầm, cá…) cùng với các mặt hàng chế biến sẵn giò, chả, bánh mứt… và trái cây. Đây cũng là những mặt hàng dễ trà trộn, khiến người tiêu dùng lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm. Nhiều loại bánh kẹo, mứt được bán theo cân, không có địa chỉ, tem mác, nguồn gốc và hạn sử dụng rõ ràng.
Mặc dù lo ngại về chất lượng sản phẩm nhưng vì giá thành rẻ, dễ sử dụng nên không ít người tiêu dùng đã bỏ qua chất lượng cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Đến khi các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, nhiều người mới giật mình.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã ở mức đáng báo động. “Người tiêu dùng cần cẩn thận hơn khi mua và sử dụng thực phẩm. Với những loại có bao bì đóng gói thì phải có nhãn mác, hạn sử dụng. Nếu sản phẩm không có thông tin này thì không nên mua vì khi xảy ra sự cố không ai chịu trách nhiệm. Người Việt hay có thói quen mua thực phẩm đóng gói để biếu tặng, thắp hương, để dành chờ dịp đông đủ mới lấy ra ăn mà không để ý hạn sử dụng cũng như điều kiện bảo quản. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
Giới chuyên gia y tế khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng tại các cơ sở uy tín, kiểm tra tem nhãn chứng minh xuất xứ nguồn gốc, chú ý thời hạn sử dụng của thực phẩm.
Đối với thực phẩm có dấu hiệu ôi, thiu, mốc, người dân tuyệt đối không nên sử dụng. Đặc biệt, dịp trước và trong Tết, người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều hàng hóa để tránh sử dụng sản phẩm bị mất dinh dưỡng hoặc mốc, hỏng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Sẵn sàng cho đợt cao điểm cuối năm và mùa lễ hội năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung cao độ, hành động quyết liệt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch 2024, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Giáp Thìn. Thời gian thực hiện cao điểm trong 90 ngày (từ ngày 15/12/2023 - 15/3/2024).
Qua đó, bà Vũ Thu Hà yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp làm rõ, rà soát lại phần việc, phân công nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, xác định rõ các địa bàn trọng điểm và việc làm trọng tâm ở các lĩnh vực. Nếu không xác định rõ trọng tâm, trọng điểm thì rất khó làm. Các đơn vị, địa phương cần đối diện thẳng thắng, không né tránh, có vụ việc vi phạm phải công khai nguyên nhân, kết quả xử lý. Thành phố sẽ lựa chọn các địa bàn trọng điểm để kiểm tra đột xuất, kiểm tra bất kỳ nội dung nào trong kế hoạch đã nêu.
Về việc tiếp nhận thông tin, đường dây nóng, lãnh đạo thành phố giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội là đầu mối bố trí trực, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân 24/7. Công khai số điện thoại đường dây nóng bằng số điện thoại cá nhân để tiếp nhận thông tin của người dân bất cứ lúc nào.
Đối tượng thanh, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.
“Mục tiêu cao nhất của các đoàn kiểm tra là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol”, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
Liên quan tới xử lý các vụ vi phạm từ đầu năm tới nay, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, 11 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 705 vụ, phạt hành chính 9,22 tỷ đồng; xử lý tiêu hủy, buộc tiêu hủy hàng hóa là thực phẩm trị giá 11,2 tỷ đồng. Đơn vị đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, xử lý 5 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm liên quan đến an toàn thực phẩm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quyet-liet-xu-ly-vi-pham-thuc-pham-dip-tet-10267973.html