Quyết 'rã đông' đầu tư công
Chưa bao giờ việc đầu tư công lại nhận được sự quan tâm, hành động quyết liệt trên cả nước như hiện nay. Tại TPHCM, áp lực 'rã đông' đầu tư công đang được người đứng đầu chính quyền chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Gần nhất, ngày 16-3, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ký ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nội dung rất quan trọng: Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của tập thể và lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận huyện và các chủ đầu tư. Nếu kết quả giải ngân năm 2023 đạt dưới 90% do lỗi chủ quan thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan.
Thật ra, đây chính là hành động xuyên suốt được thực thi trước đó. Ngày 19-12-2022, UBND TPHCM chỉ đạo việc đánh giá xếp loại và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong công tác thực hiện giải ngân đầu tư công năm 2022. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 dưới 30% thì thủ trưởng không được xem xét đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022, không xem xét giải quyết thu nhập tăng thêm đối với quý 4-2022. Tương tự, ở các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân 30%-50%, thủ trưởng không được xem xét đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, chỉ xem xét giải quyết thu nhập tăng thêm ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp đó, dựa trên kết quả đã triển khai, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ và đề xuất hạ một bậc thi đua năm. Lãnh đạo Sở KH-ĐT TPHCM và người đứng đầu các đơn vị, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp đều không xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022. Nguyên nhân là kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chỉ đạt 71,3%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 95%.
Chưa dừng lại đó, đối với các dự án thi công chậm trễ, các cơ quan chức năng đã chỉ rõ đầu mối quản lý phải chịu trách nhiệm. Như mới đây, Sở GTVT đã đề nghị thanh tra toàn diện dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống do Ban Giao thông làm chủ đầu tư, vì chậm tiến độ, gây bức xúc dư luận. UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm về dự án hầm chui nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vì chậm trễ tiến độ.
Động thái nhận trách nhiệm, quy trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền và những chỉ đạo quyết liệt, liên tục đến từng cơ quan chức năng cho thấy TPHCM nhận rõ tầm quan trọng của các dự án đầu tư công trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Bởi, TPHCM được xem là đầu tàu kinh tế cả nước, nhưng nhiều năm qua cơ sở hạ tầng trở thành điểm nghẽn lớn nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của thành phố. Việc siết mạnh giải ngân đầu tư công càng trở nên gấp rút khi theo thống kê đến hết tháng 2 năm nay, TPHCM mới giải ngân được 1% kế hoạch năm. Nếu không có sự chuyển động tích cực từ đầu năm, kịch bản giải ngân thấp của năm 2022 có thể lặp lại.
Năm nay, hết sức đáng mừng khi Thủ tướng giao kế hoạch vốn cho TPHCM hơn 70.000 tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần kế hoạch năm 2022, bởi có nhiều công trình cấp bách được đầu tư, xây dựng. Đây là thách thức lớn, song cũng là cơ hội để thành phố phát huy tính năng động sáng tạo, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây cũng là dịp để đánh giá năng lực của cán bộ, nhất là người đứng đầu. Tất nhiên, cũng cần mạnh tay hơn, nếu công việc cứ loay hoay mà không chạy được thì nghiêm khắc xử lý trách nhiệm, buộc người đứng đầu phải “đứng qua một bên cho người khác làm”. Thêm một nút giao thông, trường học, bệnh viện… được hoàn thành, chúng ta sẽ thấy rất rõ nụ cười hạnh phúc trên gương mặt người dân.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quyet-ra-dong-dau-tu-cong-post683650.html