Quyết sách 'đúng - trúng' kiến tạo những miền quê đáng sống
Được kỳ vọng là một cuộc cách mạng làm thay đổi căn cơ diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng sống cho nông dân, các quyết sách 'đúng - trúng' của HĐND tỉnh Tuyên Quang đã 'chắp cánh' cho các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sớm cán đích, kiến tạo những miền quê đáng sống miền sơn cước. Thành quả xây dựng NTM đã thực sự hướng đến nâng cao chất lượng đời sống của nông dân, người dân nông thôn, đem lại đời sống 'đầy đủ hơn về vật chất, vui mạnh hơn về tinh thần'' như Bác Hồ hằng mong muốn.
Đổi thay căn bản trên trụ cột nông nghiệp
Để nông nghiệp thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia NTM, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Đặc biệt là Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung: Nghị quyết số 03 có nhiều sự điều chỉnh, bổ sung để cụ thể, rõ ràng, thông thoáng với từng đối tượng, mức hỗ trợ. Mức hỗ trợ đối với nhiều nội dung chính sách được nâng lên, bảo đảm có sự khuyến khích cao đối với các đối tượng được thụ hưởng. Đặc biệt, lần đầu tiên Nghị quyết quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại. Trong đó, có hỗ trợ chi phí tư vấn, hỗ trợ điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm, gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP, hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới… - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh.
Được xem là động lực mới, tháo gỡ những “nút thắt” về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, đa giá trị của người nông dân, Nghị quyết 03 góp phần mạnh mẽ khơi sức dân, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Năm 2021, sau khi Nghị quyết 03 ra đời, anh Lại Tiến Sơn, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú (Sơn Dương) đã quyết định thành lập Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp, thủy sản Sơn Nga, được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 03. Hiện nay, mô hình sản xuất chả cá của anh Sơn sản xuất 5 tạ chả cá/tháng. Mỗi tháng trừ chi phí, anh Sơn thu lãi bình quân từ 60 triệu đồng - 70 triệu đồng.
Cũng như anh Sơn, chàng trai trẻ Vi Ngọc Anh, tổ 6, thị trấn Na Hang (huyện Na Hang) bắt tay vào nuôi cá lồng đặc sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Sau khi Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh được ban hành, anh được hướng dẫn thành lập Hợp tác xã Thủy sản Làng Chài, anh được hỗ trợ 600 triệu đồng đầu tư mở rộng quy mô lồng cá lên tới 32 lồng. Có nguồn vốn, anh đầu tư đi học tập kỹ thuật nuôi cá đặc sản. Hiện nay, mỗi tháng, mô hình nuôi cá đặc sản của anh xuất bán ra thị trường từ 2 - 3 tấn cá, thu nhập từ 200 triệu đồng - 300 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, các quyết sách “trúng - đúng” của HĐND tỉnh Tuyên Quang đã “chắp cánh” cho nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh bứt phá mạnh mẽ. Hiện GRDP khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đứng thứ 5 trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Toàn tỉnh đã hình thành 76 mô hình liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 191 sản phẩm OCOP của 134 chủ thể, đứng thứ 4 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc về số lượng sản phẩm OCOP; 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…
“Trợ lực” cho các xã vùng sâu, vùng xa
Cùng với các quyết sách đúng, trúng trên lĩnh vực nông nghiệp, để trợ lực cho các địa phương hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, nhất là đối với những tuyến đường giao thông nông thôn ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, HĐND tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND, ngày 20.11.2020 thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, gần 80 cầu nối nhịp đôi bờ đã và đang hoàn thành, đem lại diện mạo, cuộc sống mới cho nhiều nơi vùng khó khăn, sớm về đích kế hoạch bê tông hóa đường giao thông nông thôn trong năm 2022.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Hội Trần Trung Hiếu, huyện Chiêm Hóa vui mừng cho biết: nhờ có nghị quyết này mà xã đã hoàn thành bê tông hóa trên 2,5km đường giao thông nông thôn và nội đồng, về đích trước kế hoạch nửa năm. Tương tự, Lương Thiện là xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Dương đã hoàn thành 100% kế hoạch bê tông hóa đường giao thông nông thôn từ rất sớm.
Cùng với niềm vui khi những cung đường giao thông khang trang được đưa vào sử dụng là niềm phấn khởi khi những cây cầu ở thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên (huyện Yên Sơn) được xây dựng theo Nghị quyết 55 đang được hoàn thiện. Bí thư Chi bộ thôn La Văn Tám cho biết, lúc đầu người dân không đồng thuận nhưng qua phân tích, giải thích, người dân đã hiểu “cơ hội” xây cầu không phải lúc nào cũng có và đồng thuận góp 5 triệu đồng mỗi hộ để hỗ trợ các hộ ở Phai Đá mua đất sản xuất mới, quyết không để “mất” cầu vì không có mặt bằng xây dựng.
Bên cạnh Nghị quyết 55, HĐND tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 15.12.2020 về hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 88/NQ-HĐND ngày 21.12.2021 thông qua Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn… Các quyết sách quan trọng này đã góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo.