Quyết sách lãi suất của Ngân hàng trung ương Anh ra sao khi lạm phát hạ nhiệt?
Các siêu thị tại Anh đã chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng lạm phát phi mã, khi họ chứng kiến giá thực phẩm toàn cầu tăng đột biến, hóa đơn năng lượng tăng vọt và yêu cầu tăng lương của nhân viên.
Những siêu thị này phải đối mặt với chi phí leo thang đáng kể trong thời kỳ đại dịch cũng như tình trạng hỗn loạn sau đó. Và tiếp đó người tiêu dùng lao đao khi lạm phát giá thực phẩm tại Anh đã đạt đỉnh điểm gần 20% cách đây một năm.
Khi đó, nhiều người cho rằng các ông chủ cửa hàng sẽ hài lòng khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã hành động để tìm cách cách giải quyết lạm phát.
Tuy nhiên, ông Archie Norman, Chủ tịch của chuỗi bán lẻ Marks & Spencer, lại tỏ vẻ không mấy vui vẻ khi thảo luận về hành động của BoE. Theo ông, tình hình thực tế trong ba năm qua đã cho thấy chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương hoàn toàn không hiệu quả.
Kể từ tháng 12/2021, các nhà hoạch định chính sách của BoE đã tăng lãi suất từ mức thấp 0,1% lên 5,25% - mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 - trong nỗ lực kiểm soát đà tăng giá.
Lạm phát sau đó đã giảm từ mức đỉnh 11,1% ghi nhận hồi tháng 10/2022 xuống 4% vào tháng 1/2024. Điều đó có thể làm an lòng Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC), cơ quan ấn định lãi suất của BoE tại cuộc họp tiếp theo vào thứ Năm tuần này (21/3 giờ địa phương).
Tuy nhiên, ông Norman và nhiều người khác tin rằng lạm phát chậm lại không liên quan gì đến hành động của BoE. Thay vào đó, lạm phát gần như hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố toàn cầu mà BoE không thể tác động.
Ông chỉ ra rằng việc tăng lãi suất ở Anh không ảnh hưởng gì đến giá xăng cũng như giá lương thực khi chúng hầu hết chịu tác động từ giá trên thị trường thế giới.
Chuyên gia Martin Beck tại công ty tư vấn EY Item Club cho biết, việc BoE tăng chi phí đi vay “không có tác dụng nhưng cũng không cần phải có tác dụng”, vì lạm phát dù sao cũng chỉ là vấn đề nhất thời.
Những lập luận này có điểm hợp lý.
Cuộc khủng hoảng lạm phát phần lớn được thúc đẩy bởi sự hỗn loạn trên thị trường toàn cầu do đại dịch tạo ra, rồi sau đó là tác động của cuộc xung đột Nga -Ukraine (U-crai-na) lên giá năng lượng.
Nhưng chuỗi cung ứng đã phục hồi, trong khi xuất hiện các nguồn khí đốt và dầu mới. Do đó, lạm phát đã quay đầu đi xuống.
Giá năng lượng toàn cầu giảm đã giúp giá xăng giảm từ mức cao 1,91 bảng Anh/lít hồi tháng 7/2022 xuống còn 1,40 bảng Anh/lít hiện tại. Hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình cũng đang giảm và dự kiến sẽ giảm tiếp vào tháng tới.
Lạm phát lương thực vẫn ở mức 7% theo năm, nhưng giá của một số mặt hàng chủ lực đang giảm. Chẳng hạn, theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, một chai sữa 4 pint (khoảng 1,9 lít) hiện có giá trung bình là 1,51 bảng, giảm 17 xu so với cùng kỳ một năm trước.
Các nhà kinh tế dự đoán những điều này sẽ kéo lạm phát trở lại hoặc thậm chí thấp hơn mục tiêu 2% của BoE.
Chính Phó Thống đốc BoE Ben Broadbent cũng thừa nhận rằng việc giá cả đi xuống không liên quan nhiều đến chính sách lãi suất. Phát biểu trước các nghị sĩ trong một ủy ban thuộc Bộ Tài chính Anh vào tháng trước, ông cho hay đa phần các đợt lạm phát giảm trong năm qua tại nước này đều liên quan đến những hàng hóa có thể giao dịch buôn bán như năng lượng.
Việc lạm phát giảm được thúc đẩy phần lớn bởi các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của BoE cũng dấy lên lo ngại rằng: khả năng ảnh hưởng đến giá cả thông qua các công cụ chính sách tiền tệ truyền thống của ngân hàng trung ương này có thể đang suy yếu.
Cấu trúc của nền kinh tế Anh đã thay đổi trong những thập kỷ gần đây và theo những cách có thể cản trở nỗ lực của BoE.
Hiện chưa tới 30% hộ gia đình nước này có khoản thế chấp mua nhà, giảm so với hơn 40% ghi nhận cách đây hai thập kỷ. Điều đó có nghĩa ít người sẽ ngay lập tức chịu ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất, qua đó càng hạn chế ảnh hưởng chính sách của BoE hơn.
Hầu hết những người có khoản thế chấp đều “neo” lãi suất vào thời điểm chi phí đi vay cực kỳ thấp. Điều này đồng nghĩa tác động từ việc tăng lãi suất sẽ đến chậm hơn nhiều so với trước đây, khi nhiều hộ gia đình áp dụng lãi suất thả nổi.
Thậm chí, số tiền những người tiết kiệm năm ngoái kiếm được nhờ lãi suất cao còn lớn hơn so với khoản tiền những người đi vay bị mất đi khi trả lãi suất thế chấp - điều ngược lại với những gì Ngân hàng mong muốn.
Phần lớn những người nắm giữ thế chấp hiện đã chuyển sang các giao dịch có lãi suất cao hơn. Nhưng vài triệu người vẫn đang hưởng mức lãi suất cố định và sẽ chỉ đến hạn trong hai năm tới.
Tuy nhiên, những lo ngại về lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn còn. Lạm phát giá dịch vụ tổng thể hiện ở mức 6,5% và chỉ giảm khiêm tốn so với mức đỉnh 7,4% hồi giữa năm ngoái. Trước đại dịch COVID-19, con số này chỉ quanh khoảng 2,5%.
BoE tin rằng họ có thể ảnh hưởng đến giá cả trong lĩnh vực dịch vụ một cách tương đối trực tiếp thông qua lãi suất. Niềm tin này là do hầu hết các dịch vụ thường được cung cấp ở ngay trong nước. Ví dụ, không ai nhập dịch vụ cắt tóc hoặc đặt bữa tại nhà hàng từ nước ngoài.
Chưa hết, Phó Thống đốc Broadbent đã nói với các nghị sĩ vào tháng trước rằng lạm phát dịch vụ và mức tăng lương đều đang trên 6%. Cả hai tỷ lệ này đều cao gần gấp đôi so với mục tiêu lạm phát ổn định của BoE.
Chi phí dịch vụ đang tăng nhanh ở khắp nơi tại nước Anh: phí chăm sóc tại nhà tăng 10%. Giá vé xem phim đã tăng gần 7%. Bảo hiểm ô tô tăng hơn 30%. Ngay cả chi phí cho đám tang cũng tăng 8% so với một năm trước.
Giá cả tăng cao được thúc đẩy do thị trường việc làm thắt chặt. Diễn biến này tạo điều kiện để nhân viên yêu cầu mức lương cao hơn nhằm đối phó với lạm phát, song chúng cũng đồng nghĩa người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn.
Ông Ian Stewart, nhà kinh tế trưởng tại công ty chuyên về kiểm toán Deloitte, lưu ý rằng các hộ gia đình Anh đã tích lũy được một khoản tiết kiệm lớn trong thời kỳ đại dịch, cho phép họ tiếp tục chi tiêu ngay cả khi giá cả tăng. Các công ty vì thế cũng tiếp tục tăng giá.
Tương tự, các công ty có dư nhiều tiền mặt cho phép họ tiếp tục chi tiêu vào tiền lương cho nhân công, mặc dù chi phí đi vay tăng.
Đồng thời, Chính phủ Anh đã vay nợ nhiều để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, khủng hoảng năng lượng và thậm chí cả thời điểm hiện nay. Những yếu tố đó đã góp phần duy trì tăng trưởng tiền lương và chi tiêu trong khu vực công.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy động lực này đang bắt đầu cạn kiệt khi tác động từ chi phí đi vay cao dần trở nên nặng nề và rõ rệt hơn.
Bà Yael Selfin, nhà kinh tế trưởng tại công ty kiểm toán KPMG UK, chỉ ra rằng số lượng vị trí tuyển dụng tại Anh đã giảm, lạm phát thấp hơn nhiều so với mức tăng lương và người dân đang phục hồi sức tiêu dùng. Vì vậy, bà nhận định mức tăng lương sẽ giảm dần trong giai đoạn tới.
Mặc dù vậy, những dấu hiệu kinh điển cho thấy lãi suất tăng mạnh kìm hãm nền kinh tế vẫn chưa rõ ràng. Tỷ lệ thất nghiệp đang thấp hơn so với cùng kỳ một năm trước, giá nhà không giảm và nước Anh vừa trải qua một cuộc suy thoái nhẹ nhất có thể thay vì một khủng hoảng nghiêm trọng.
Chuyên gia Beck của EY Item Club chỉ ra đây là bằng chứng cho thấy các công cụ kém hiệu quả của BoE. Theo ông, nếu ngân hàng trung ương thành công, nền kinh tế đã phải trải qua một cuộc suy thoái rất nghiêm trọng do lãi suất tăng cao. Nhưng thực tế thì điều này không xảy ra.
Nhưng điều đó không nhất thiết đồng nghĩa là cuộc khủng hoảng lạm phát sẽ kéo dài.
Ông Beck cho hay tăng trưởng lương đã chậm lại khá nhiều, nhưng điều đó ít liên quan đến lãi suất mà do tiền lương có xu hướng đi theo đà tăng giảm của giá cả. Vị chuyên gia nhận định: “Lạm phát đã tự nó giảm xuống”.
Tuy nhiên, đối với các quan chức tại BoE, cuộc khủng hoảng này đã đặt ra câu hỏi khó: liệu họ có công cụ phù hợp để thực hiện công việc vào lần tới khi lạm phát lại leo thang hay không.