Quyết sách sai lầm nào đã 'khai tử' hãng du lịch 178 năm tuổi?
Hãng du lịch Anh Thomas Cook chào đời tháng 7/1841, từng phục vụ những tên tuổi của lịch sử như Mark Twain hay Winston Churchill. Nhưng câu chuyện của hãng kết thúc ngày 23/9.
Công ty du lịch lâu đời nhất thế giới đã phá sản ngày 23/9 sau một thập kỷ khó khăn về tài chính. 178 năm lịch sử của hãng kết thúc với việc hàng trăm nghìn du khách mắc kẹt trên khắp thế giới và vẫn đang chờ đợi chuyến bay về nước.
Thậm chí, một số du khách bị khách sạn ở Tunisia giữ lại, đòi tiền phòng trước khi rời đi. Đại diện Thomas Cook phải báo cảnh sát, làm việc với khách sạn, và các du khách giờ đã được tự do đi lại.
Theo bình luận của Economist, kết cục buồn của Thomas Cook đến từ các quyết định kinh doanh, mua lại đối thủ sai lầm, khiến hãng lún sâu nợ nần, thay vì do nhu cầu tour trọn gói giảm.
Đối thủ cạnh tranh còn lại của Thomas Cook, công ty bán tour trọn gói TUI của Đức, trước mắt sẽ hưởng lợi lớn. Nhưng về lâu dài, các công ty du lịch online và hàng không giá rẻ sẽ vươn lên nhanh chóng, trở thành đối thủ đáng gờm, cũng theo Economist.
Thomas Cook sụp đổ vì nhu cầu đi xuống?
Mới tháng trước, Thomas Cook có vẻ đã thoát khỏi kết cục buồn khi đạt được thỏa thuận giải cứu. Fosun, tập đoàn Trung Quốc đang muốn đưa thương hiệu Thomas Cook đến châu Á, và các bên cho vay, đã có ý định bơm 1,1 tỷ USD vào tập đoàn.
Và Thomas Cook đã định bán hãng hàng không Condor ở Đức (vẫn sẽ hoạt động). Nhưng đến ngày 20/9, các ngân hàng chính đe dọa rút vốn nếu hãng không tìm được thêm 200 triệu USD, khoản tiền mà họ ước tính hãng sẽ cần để vượt qua mùa đông vốn ít du khách.
Không bên nào - Fosun, các ngân hàng, các bên nắm trái phiếu, các quỹ đầu tư - sẵn sàng bỏ ra số tiền đó. Nỗ lực cuối cùng xin chính phủ cứu trợ cũng bất thành.
Thomas Cook đắt khách nhất vào những năm 1990, bán các tour du lịch trọn gói bao gồm cả chuyến bay, chỗ ở và nhà hàng. Kể từ đó, mô hình kinh doanh của hãng có nhiều dấu hiệu đi xuống, trong đó những khó khăn tài chính của Thomas Cook cũng góp phần nào.
Hãng hàng không Monarch Airlines chuyên phục vụ các tour du lịch trọn gói phá sản hai năm trước. Các website đặt vé như Expedia và Skyscanner cho phép khách chọn chuyến bay và khách sạn theo ý mình. Các hãng hàng không giá rẻ, vốn không muốn bán vé qua đại lý, cũng lấy mất khách của Thomas Cook.
Ngoài ra, sự bất trắc của Brexit là nguyên nhân được Thomas Cook nhắc đến. Đồng bảng Anh rớt giá cũng là bất lợi.
Tuy vậy, Economist bình luận, sự suy tàn của Thomas Cook không thể hiện sự lụi bại của ngành du lịch trọn gói. Một nửa số chuyến du lịch của người Anh ra nước ngoài vẫn thuộc loại trọn gói, theo Hiệp hội Các công ty Lữ hành Anh.
Số người Anh đi du lịch theo kiểu trọn gói đã tăng từ 14,3 triệu năm 2010 lên 18,2 triệu năm 2018. Mua gói du lịch gia đình vẫn rẻ hơn so với đặt chỗ theo cá nhân. Theo giới phân tích, Thomas Cook có thể dùng quy mô của mình để thương lượng giá vé máy bay và phòng ở rẻ hơn.
Phá sản do các quyết định kinh doanh?
Theo Economist, chính các quyết sách kinh doanh tồi tệ đã khiến Thomas Cook gục ngã. Hãng này thừa kế một núi nợ khi sáp nhập với đối thủ cạnh tranh MyTravel Group năm 2007, và một loạt thương vụ mua lại sau đó càng chồng chất thêm nợ. Thomas Cook sau này vẫn không trả hết nợ nần, lên tới 2,4 tỷ USD vào tháng 3 vừa qua. Các chi nhánh trên những con phố chính ở Anh cũng trở thành gánh nặng chi phí đắt đỏ.
Các hãng lữ hành mới và thuần túy online như “On the Beach” và “We Love Holidays”, giờ đã trở thành hãng du lịch trọn gói lớn thứ tư và thứ năm ở Anh, dễ dàng đánh bại Thomas Cook về giá.
Chồng chất thêm các khoản lỗ cho Thomas Cook là mùa nghỉ lễ năm ngoái ít khách do thời tiết ở Anh tốt, và việc hãng này đặt cược vào điểm đến Tunisia ngay trước khi ngành du lịch nước này bị một loạt vụ khủng bố làm tê liệt. Đòn giáng cuối cùng là giai đoạn 6 tháng ảm đạm tính đến tháng 3 năm nay, trong đó hãng thua lỗ 1,5 tỷ USD.
Thiệt hại nhiều nhất là 600.000 du khách đang đi tour của Thomas Cook. Cơ quan Hàng không Dân dụng của Anh dự định đưa về nước ít nhất 150.000 du khách đang bị kẹt ở nước ngoài, chiến dịch đưa người về nước lớn nhất của Anh trong thời bình. Chính phủ Đức thậm chí sẽ phải đưa 300.000 công dân về nước.
Hưởng lợi nhiều nhất là TUI, khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất đã bị loại khỏi thị trường. Nhưng ngay cả TUI cũng sẽ vất vả trước sự cạnh tranh từ các hãng hàng không giá rẻ.
Với lợi nhuận bán vé ngày càng giảm do cạnh tranh, các hãng hàng không giá rẻ đang cố gắng biến trang web của mình thành nơi có thể mua tour trọn gói. Kenny Jacobs, giám đốc marketing của Ryanair, muốn website của hãng trở thành “Amazon của du lịch”, bán phòng khách sạn, xe thuê, thậm chí vé máy bay cho các hãng cạnh tranh.
Trước sức ép như vậy, giá cổ phiếu của TUI đã hạ 40% trong khoảng thời gian một năm qua - báo hiệu dông bão mới cho TUI, dù đối thủ cạnh tranh Thomas Cook giờ không còn trên thị trường.