Quyết tâm bứt phá, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Tỉnh Thanh Hóa khép lại năm 2024 với nhiều thành tựu kinh tế nổi bật, điển hình là tốc độ tăng trưởng đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 54.000 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước. Đây là nền tảng, động lực quan trọng để Thanh Hóa tiếp tục vững bước trên hành trình hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới để chinh phục khó khăn, tận dụng tối đa tiềm năng, nắm bắt thời cơ để tạo nên thành quả 'ấn tượng' trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tiềm năng - lợi thế - nền tảng vững chắc

Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng và là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa là vùng đất luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế, là căn cứ của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Những năm qua, nhờ triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước với quyết tâm cao và hành động quyết liệt, Thanh Hóa đã và đang vươn mình bứt phá mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi căn bản, toàn diện diện mạo của tỉnh, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khảo sát phương án thực hiện dự án Đường giao thông kết nối liên vùng. Ảnh: Quốc Hương

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khảo sát phương án thực hiện dự án Đường giao thông kết nối liên vùng. Ảnh: Quốc Hương

Trong những cuộc gặp gỡ với các tập đoàn, doanh nghiệp hay các đoàn công tác trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư và hợp tác, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa những nhiệm kỳ gần đây đều tập trung nêu bật những tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong đó, điển hình là KKT Nghi Sơn - khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 8 KKT trọng điểm của cả nước với những ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5.8.2020, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cũng định hướng mục tiêu tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu trong KKT Nghi Sơn, sớm đưa KKT này trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm đó, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương và huy động tối đa các nguồn lực trong tỉnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội KKT Nghi Sơn nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư, từng bước đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp nặng. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp khu vực ven biển là nòng cốt.

Đến nay, KKT Nghi Sơn đã thu hút được 332 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư 159.595 tỷ đồng và 12.827 triệu USD; một số dự án quy mô lớn đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2; bến cảng quốc tế Nghi Sơn; nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 1... Đặc biệt, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công nghiệp lọc hóa dầu, cung cấp, bảo đảm 40% nhu cầu xăng dầu quốc gia.

Bên cạnh KKT Nghi Sơn, một trong những thế mạnh mang tính cạnh tranh cao của Thanh Hóa so với các tỉnh, thành khác chính là vị trí địa lý thuận lợi và mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại. Thanh Hóa có diện tích tự nhiên lớn và dân số đông, có đầy đủ các loại địa hình và hệ sinh thái với tài nguyên phong phú, đa dạng. Không nhiều địa phương trong cả nước có đầy đủ các loại hình giao thông như Thanh Hóa, với Cảng Hàng không Thọ Xuân kết nối các tỉnh phía Nam và trong tương lai là quốc tế; hệ thống đường sắt Bắc - Nam; các tuyến đường bộ huyết mạch của đất nước chạy qua; đường thủy quốc tế. Cùng với đó, giao thông nội tỉnh ngày càng phát triển và có tính kết nối cao với các khu vực Tây Bắc, sang thượng Lào, tạo hình thành hành lang phát triển quốc tế. Bởi vậy, khi nói về định hướng xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, Thanh Hóa có đầy đủ tiềm năng, lợi thế và nền tảng vững chắc để có thể thực hiện mục tiêu này và thậm chí sẽ đạt được kết quả lớn hơn kỳ vọng.

Tăng tốc, bứt phá trong kỷ nguyên mới

Nhờ tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, những năm gần đây, Thanh Hóa đã gặt hái nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng bình quân hai con số, luôn thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Khóa XVIII đã ghi nhận những thành tựu đột phá, điển hình là tốc độ tăng trưởng đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 54.000 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước; nhiều dự án giao thông quan trọng được đầu tư cơ bản hoàn thành; hạ tầng thương mại, đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại…

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã khẳng định, công nghiệp là một trong những lĩnh vực đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh. Để có mức tăng trưởng kinh tế cao, lĩnh vực công nghiệp đóng góp tới hơn 50%, điều này cho thấy kinh tế của tỉnh dựa nhiều vào công nghiệp. Do đó, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, cần thúc đẩy phát triển hạ tầng các KCN, CCN và nâng cấp sân bay Thọ Xuân để tạo nền tảng hạ tầng tốt, thuận lợi thu hút đầu tư. Đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại trong tương lai.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Trên cơ sở quan điểm nhất quán đó và những thành tựu trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng tốc, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 11% trở lên.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khẳng định: năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bứt phá về đích phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Để bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn để nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, các dự án sản xuất kinh doanh, các dự án hạ tầng KCN, CCN, hạ tầng du lịch, dịch vụ... đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc tính tiền sử dụng đất đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất... tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai đầu tư, sớm đưa các dự án này vào sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu mới cho ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo môi trường hấp dẫn trong thu hút đầu tư.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025 là tập trung cao nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Quá trình sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy phải tập trung chỉ đạo giải quyết thông suốt các nhiệm vụ, không để gián đoạn công việc, tạo thuận lợi trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi và giải quyết công việc, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Kiên quyết khắc phục bằng được tình trạng nói mà không làm; xóa bỏ tư tưởng dễ làm, khó bỏ, khắc phục bệnh đùn đẩy, né tránh, vòng vo trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Thanh Hóa quyết tâm tăng tốc, bứt phá, tạo thành quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quyet-tam-but-pha-cung-ca-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post400627.html