Quyết tâm cải thiện tính năng động của chính quyền

Tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh là một chỉ số thành phần PCI đo lường sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật của Trung ương, mức độ kịp thời và hiệu quả trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cũng như tính hiệu lực thực thi của các cấp sở, ngành... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh là một chỉ số thành phần PCI đo lường sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật của Trung ương, mức độ kịp thời và hiệu quả trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cũng như tính hiệu lực thực thi của các cấp sở, ngành và huyện với các chủ trương của lãnh đạo tỉnh. Theo kết quả xếp hạng PCI năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số này của tỉnh ta chỉ đạt 5,92 điểm, giảm 1,13 điểm so với năm 2019 (năm 2019 đạt 6,05 điểm, năm 2018 đạt 6,51 điểm).

Theo kết quả khảo sát đánh giá cụ thể, các doanh nghiệp đã có những đánh giá tích cực như thay vì “đợi xin ý kiến chỉ đạo”/“không làm gì cả” khi chính sách, pháp luật Trung ương có điểm chưa rõ thì chính quyền tỉnh đã có nhiều động thái tích cực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ các vướng mắc; tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “UBND cấp tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân” và ghi nhận thái độ tích cực của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân có chuyển biến. Tuy nhiên các doanh nghiệp chưa đánh giá cao ở nội dung “UBND tỉnh/thành phố năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”. Nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá cao kết quả tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc được nếu qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nhận định, mặc dù môi trường kinh doanh đã có chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua nhưng chất lượng thực thi ở cấp huyện và sở, ngành vẫn là một điểm nghẽn lớn, cần được đẩy mạnh. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp đồng ý với đánh giá “Có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở cấp sở, ngành”; đồng thời nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện”.

Ngoài ra nguyên nhân khiến năm 2020 chỉ số Tính năng động của chính quyền giảm điểm sâu còn do tác động rất lớn bởi đại dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động điều hành của các cấp chính quyền, việc trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe, tiếp nhận thông tin để hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc bị hạn chế. Dù thống nhất quan điểm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân nhưng các cấp chính quyền của tỉnh quá thận trọng trong chấp pháp trong khi có chính sách chưa sát thực tế, bó buộc nên chưa làm hài lòng cộng đồng doanh nghiệp. Việc rà soát, dự báo, tham mưu đề xuất hướng giải quyết các điểm vướng mắc, chưa rõ trong chính sách ở cấp Trung ương của các sở, ban, ngành tại tỉnh còn yếu, bị động; khi có vướng mắc xảy ra mới bắt đầu nghiên cứu, đề xuất, chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Chất lượng công tác tham mưu cho UBND tỉnh của các ngành chuyên môn để kết nối với các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn vận dụng chính sách vẫn còn chậm, thiếu quyết liệt khiến tiến độ giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp còn chậm. Trong khi đó, các địa phương khác đã bứt phá nhanh hơn Nam Định trong cải thiện chỉ số này khiến mức giảm điểm và bậc xếp hạng sâu hơn. Để chỉ số năng động của chính quyền giảm điểm, tụt hạng sâu có thể ảnh hưởng đến mức độ tin tưởng của nhà đầu tư, sẽ phải cân nhắc có tiếp tục đầu tư mới hay mở rộng (?) làm giảm sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của địa phương.

Trước tình trạng này, tỉnh xác định các cấp chính quyền, các ngành chức năng phải khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt cải thiện chỉ số tính năng động của chính quyền cùng với các chỉ số khác.

Theo đó các sở, ngành, các địa phương cần nâng cao kỹ năng điều hành, tăng tính năng động; thể hiện rõ nét hơn mức độ thân thiện giữa chính quyền với doanh nghiệp. Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa các cấp chính quyền, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập theo hướng tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý truyền thống sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số và xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành Chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao kỹ năng, tinh thần, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc nắm bắt và xử lý các vấn đề chính sách, tích cực trong việc xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và tổ kiểm tra công vụ của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tiếp nhận và phản hồi quá trình giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, góp phần tạo sự minh bạch hơn trong môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp, đổi mới, nâng cao chất lượng đối thoại doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm các ý kiến về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp còn tồn đọng. Nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để Hiệp hội tham gia thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh, Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các địa phương và đơn vị trong tỉnh trong việc giải quyết các TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Tạo sự công bằng trong thực hiện TTHC, tiếp cận đất đai, giải quyết khó khăn đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp./.

Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202107/quyet-tam-cai-thien-tinh-nang-dong-cua-chinh-quyen-2545033/