Quyết tâm cao để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Đây cũng là năm thứ 3 tỉnh tự cân đối ngân sách và có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương là 11% (năm 2022 là 9%, năm 2023 và năm 2024 là 11%), do vậy vấn đề đảm bảo và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cần có những giải pháp tối ưu để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay.

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu).

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu).

Thu ngân sách còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu phục hồi song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những bất ổn trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, thể hiện rõ như ngành sản xuất và tiêu thụ xe ô tô đã bị sụt giảm. Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và thị trường trong, ngoài nước bị thu hẹp khiến nền sản xuất vẫn trong tình trạng cung vượt cầu.

Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, khai thác và quản lý các nguồn thu đảm bảo đúng quy định; tập trung hoàn thiện trình tự thủ tục để triển khai đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch; triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi đảm bảo cân đối với khả năng huy động, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 là 10.552,9 tỷ đồng, bao gồm: Tổng thu NSNN trên địa bàn là 8.331,9 tỷ đồng, bằng 44,8% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương là 2.221 tỷ đồng, đạt 58,4% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, các khoản thu nội địa đạt 5.314,2 tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 92% so với cùng kỳ năm 2023; thu tiền sử dụng đất là 1.460 tỷ đồng, bằng 39,5% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 7,2 lần so với cùng kỳ năm trước; thu xổ số kiến thiết là 27,8 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 1.494,7 tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động huy động, đóng góp và thu viện trợ là 35,2 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, đồng chí Đinh Nam Thắng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng: Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của ngành Tài chính và các địa phương đã có 8/14 khoản thu đạt và vượt so với tiến độ dự toán, gồm: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương quản lý; thu từ doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý; thuế thu nhập cá nhân; thu thuế bảo vệ môi trường; thu cấp quyền khai thác khoáng sản; thu khác ngân sách; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác; lợi nhuận được chia từ phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ.

Tuy nhiên, nhiều khoản thu quan trọng chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là khoản thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh là khoản thu quan trọng nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thu nội địa mới chỉ đạt 46,1% dự toán, bằng 89,7% so với cùng kỳ do một số doanh nghiệp trọng điểm có số nộp chiếm tỷ trọng lớn chịu ảnh hưởng bất lợi của nền kinh tế. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất để phù hợp với tình hình thực tế,... dẫn đến số thuế phát sinh thấp; cùng với đó, việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước,... trong năm 2024 cũng đặt ra yêu cầu phải khai thác, quản lý nguồn thu hiệu quả, đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước.

Đối với các khoản thu tiền sử dụng đất, mặc dù tăng so với cùng kỳ song chưa đạt tiến độ dự toán, dự kiến việc hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất phân chia ngân sách cấp tỉnh 100% là rất khó khăn. Đặc biệt, số thu tiền sử dụng đất phân chia ngân sách cấp tỉnh 100% đạt rất thấp so với dự toán HĐND tỉnh giao, chỉ có 2 huyện, thành phố thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và phát sinh số thu nộp NSNN (huyện Nho Quan, thành phố Ninh Bình), còn lại 6 huyện, thành phố chưa thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, không phát sinh số thu nộp NSNN.

Cần sự nỗ lực lớn

Năm 2024, dự toán HĐND tỉnh giao tổng thu NSNN trên địa bàn là 18.613,5 tỷ đồng, bao gồm: Thu nội địa không gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết 11.258,5 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 3.700 tỷ đồng; thu xổ số kiến thiết 55 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 3.600 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, việc phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024 là rất khó khăn.

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2024 đã được HĐND tỉnh quyết định, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Bên cạnh các giải pháp chung để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh yêu cầu ngành Tài chính tăng cường công tác quản lý, khai thác tốt các nguồn thu. Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý, khai thác tăng thu đối với một số lĩnh vực có dư địa lớn.

Đồng chí Đinh Nam Thắng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Ngành Thuế sẽ quán triệt các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phối hợp với chính quyền địa phương và triển khai có hiệu quả phương án xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ thuế, phân tích nguyên nhân của từng đối tượng nợ để có giải pháp đôn đốc thu nợ phù hợp.

Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, từng sắc thuế, tập trung vào các khu vực kinh tế, các sắc thuế cơ bản để tham mưu phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Đồng thời nắm bắt, chia sẻ và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho người nộp thuế phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Chủ động, tích cực tạo sự đồng lòng, ủng hộ nhằm huy động mọi nguồn lực trong công tác thu NSNN, bao quát được hết các nguồn thu, khai thác và đôn đốc thu nộp kịp thời vào NSNN.

Đối với các khoản thu từ đấu giá đất, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương phối hợp với các sở, ngành tiến hành rà soát cơ chế, chính sách về đất đai, giải quyết kịp thời các vướng mắc về thủ tục giao đất, đấu giá đất, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất. Tập trung triển khai có hiệu quả việc đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất; trong trường hợp cần thiết thực hiện rà soát, điều chỉnh dự toán thu tiền sử dụng đất phân chia ngân sách tỉnh 100% giữa các huyện, thành phố, để tạo nguồn vốn thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2024.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quyet-tam-cao-de-hoan-thanh-du-toan-thu-ngan-sach-nha-nuoc/d20240714222145439.htm