Quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06
Chiều nay (10/4), đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước, chuyển đổi số và Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Toàn cảnh phiên họp.
Phiên họp đã tập trung phân tích, làm rõ kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Sipas) và kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tỉnh Điện Biên năm 2024. Thảo luận về tiến độ triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 của tỉnh Điện Biên; Nghị quyết số 57/NQ-TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ; trọng tâm là tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ: Phát triển hạ tầng số, nền tảng số dùng chung, số hóa dữ liệu chuyên ngành, đào tạo kỹ năng số; tiến độ triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống thông tin, kết nối liên thông dữ liệu giữa các cấp, các ngành; đánh giá việc áp dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan hành chính và dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đánh giá kết quả và những “điểm nghẽn” trong hiện Đề án 06 giai đoạn 2022 - 2025.

Lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo Ban chỉ đạo về kết quả thực hiện Cải cách hành chính của tỉnh năm 2024.
Năm 2024, chỉ số Sipas của tỉnh đạt 82,96%, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành (tăng 2,86% và 9 bậc so với năm 2023); chỉ số Par Index đạt cao nhất từ trước đến nay (đạt 88,23/100; tăng 0,21 điểm so với năm 2023).
Thực hiện các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57/NQ-TW, tỉnh đã hoàn thành một trong những mục tiêu rất quan trọng là “100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã thực hiện xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc”; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của cấp tỉnh, cấp huyện trên 90%, cấp xã trên 80%…

Lãnh đạo Sở Y tế tham gia ý kiến tại phiên họp.
Triển khai thực hiện Đề án 06, với vai trò là cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã tham mưu triển khai thực hiện 57 nhiệm vụ cụ thể. Đến nay, đã hoàn thành 34 nhiệm vụ; 11 nhiệm vụ đang triển khai và 12 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên. Xây dựng 34 mô hình điểm; trong đó 30 mô hình đã có kết quả, 4 mô hình đang trong giai đoạn thực hiện. Triển khai tích cực, hiệu quả đề án, đến nay tỷ lệ số hóa hồ sơ khi tiếp nhận trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đạt 89,99%; tạo lập 262.151 Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, đạt 39,9% (đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ người dân có Sổ sức khỏe điện tử); từ ngày 1/11/2024 đến nay đã tiếp nhận 2.410/2.699 hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, đạt 89,3%…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Trên cơ sở thảo luận, phân tích từ các đại biểu, thành viên Ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đã thống nhất nhiệm vụ trọng tâm quý II và các giải pháp đẩy mạnh thực hiện CCHC, chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2025. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành quyết tâm cao hơn nữa trong tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ; nhất là trong công tác tuyên truyền, tăng cường nguồn lực, phối hợp, tranh thủ nguồn lực về tài chính, con người...
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo, điều hành cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.
Về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình, phân công cụ thể, triển khai hiệu quả các nội dung, chú trọng tổ chức thực hiện đồng bộ ba trụ cột: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu đề xuất đầu tư hạ tầng số cho 86 bản chưa có internet băng rộng di động (3G, 4G) và 261 bản chưa có internet băng rộng cố định (cáp quang); ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về triển khai Đề án 06, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh tham mưu chỉ đạo, thực hiện hiệu quả 68 nhiệm vụ được xác định trong thời gian tới; đồng thời rà soát, khắc phục các “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai.