Quyết tâm đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 01/9/2021
Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, tỉnh đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với các chiến lược linh hoạt để thích nghi với diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt chú trọng công tác truy vết, sàng lọc cộng đồng, nâng cao năng lực điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 tỉnh - Phạm Tấn Hòa về các giải pháp trong công tác chống dịch.
PV: Nhận định của ông về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
Ông Phạm Tấn Hòa: Trong đợt dịch lần thứ 4, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Trong đó, số ca mắc có chiều hướng tăng cao bắt đầu từ ngày 08/7/2021 đến nay, đỉnh điểm là khoảng thời gian từ đầu tháng 8/2021.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây là do tỉnh tập trung thực hiện xét nghiệm tầm soát, sàng lọc trong cộng đồng; tận dụng thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg để sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” không thực hiện đúng phương án và cam kết, nhất là việc bảo đảm khoảng cách và xét nghiệm định kỳ. Khi phát hiện ca nhiễm trong doanh nghiệp thì lúng túng, chậm thông báo và phối hợp chính quyền địa phương để xử lý, dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo, làm số ca bệnh tăng nhanh.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg còn chưa nghiêm; nhiều trường hợp di chuyển từ vùng dịch về địa bàn (vận chuyển hàng hóa, cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, bệnh nhân xuất viện, khám bệnh từ các bệnh viện ngoài tỉnh,...), khi về địa phương không khai báo y tế, không chấp hành nghiêm cách ly, giãn cách làm phát sinh nhiều ổ dịch mới.
PV: Thưa ông, công tác phân tầng trong điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 hiện nay ra sao? Việc phân tầng này có ý nghĩa như thế nào để bảo đảm hiệu quả điều trị BN?
Ông Phạm Tấn Hòa: Hiện nay, tỉnh thực hiện phân tầng điều trị BN Covid-19 nhằm chia nhóm nguy cơ cũng như những yêu cầu, can thiệp điều trị cho người bệnh để phân bố nguồn lực phù hợp theo Quyết định 7982/QĐ-UBND, ngày 09-8-2021 của UBND tỉnh. Theo đó, tỉnh thực hiện phân tầng điều trị cho các bệnh viện trên địa bàn gồm 3 tầng: 1, 2, 3 tùy theo mức độ nguy cơ của người bệnh. Ngoài ra, tỉnh còn được Bộ Y tế hỗ trợ thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên tại tỉnh Long An điều trị BN nặng, quy mô 150 giường. Mỗi tầng được phân bổ trang thiết bị y tế, nhân sự phù hợp. Ngành Y tế sẽ tổ chức sàng lọc, phân tầng ngay từ ban đầu để điều trị theo phác đồ, bảo đảm hiệu quả điều trị, giảm áp lực cho lực lượng y tế.
PV: Nguồn nhân lực y tế của tỉnh hiện nay ra sao để bảo đảm công tác điều trị, chăm sóc BN, thưa ông?
Ông Phạm Tấn Hòa: Toàn tỉnh có gần 5.000 nhân sự phục vụ trong ngành Y tế (hệ thống công lập). Hiện 15/15 huyện, thị xã, thành phố đều có ca bệnh, tuy nhiên, đa số ca bệnh đều tập trung tại 5 địa phương trọng điểm. Do đó, tỉnh phân bổ nguồn nhân lực hiện có tại các địa phương trọng điểm để tập trung xét nghiệm, truy vết, điều trị bệnh và tiêm vắc-xin. Các địa phương còn lại được phân bổ cơ số nhất định để bảo đảm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, tỉnh còn được Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các địa phương hỗ trợ trên 330 người, gồm: Tổ công tác Bộ Y tế, lực lượng của Bộ Quốc phòng, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang, Bến Tre (đã hoàn thành và trở về địa phương), Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động được gần 1.200 tình nguyện viên với khoảng 150 nhân sự chuyên môn y tế tham gia lấy mẫu, truy vết, nhập liệu, điều trị và tiêm vắc-xin, tập trung tại 5 địa phương trọng điểm.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn lực phải căng sức chia cho các khu vực thực hiện nhiệm vụ khác nhau nên nguồn nhân lực hiện nay thiếu hụt khá lớn. Tỉnh đang kêu gọi huy động tất cả mọi người có chuyên môn về y tế tham gia vào công tác phòng, chống dịch, nhất là trong các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc tư nhân,…
PV: Tỉnh có những giải pháp trọng tâm nào để từng bước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, thưa ông?
Ông Phạm Tấn Hòa: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg, kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong”, chuyển thành công các địa phương theo phương châm “thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh, xanh hóa vùng vàng” nhằm thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho tỉnh tại Nghị quyết số 86/NQ-CP, ngày 06-8-2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV (kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 01/9/2021). Triển khai, thực hiện hiệu quả chiến dịch xét nghiệm tầm soát cộng đồng và chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân theo phân bổ của Bộ Y tế nhằm làm sạch từng địa bàn và tăng tỷ lệ bao phủ, miễn dịch cộng đồng. Tiếp tục cập nhật, hoàn chỉnh kế hoạch chống dịch với kịch bản 20.000 ca bệnh và 30.000 ca bệnh để chủ động ứng phó. Đồng thời, tập trung công tác phân tầng, điều trị để giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong.
Tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ Y tế xem xét, chấp thuận cho Long An được thí điểm điều trị F0 không triệu chứng tại nhà để giảm tải cho cơ sở điều trị.
Tỉnh cũng được Bộ Y tế phân bổ đợt 22 với hơn 260.000 liều vắc-xin và tiếp tục triển khai tiêm cho các đối tượng bắt đầu từ ngày 19/8/2021. Đồng thời, tỉnh có văn bản tiếp tục đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm 600.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 để triển khai tiêm cho người dân theo kế hoạch trong tháng 9-2021; hỗ trợ vật tư y tế, trang thiết bị, thuốc và nhân sự có chuyên môn, tư vấn chuyên sâu về công tác điều trị BN Covid/19.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phạm Ngân(thực hiện)