Quyết tâm đẩy lùi buôn lậu, hàng giả: Vì một thị trường lành mạnh, phát triển bền vững

Việc gian lận thương mại và buôn lậu làm méo mó thị trường, khiến các doanh nghiệp chân chính gặp khó khăn, niềm tin vào pháp luật và sự công bằng bị xói mòn nghiêm trọng.

4 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng kém chất lượng

4 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng kém chất lượng

Trong những năm gần đây, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc gia. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này. Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng các kết quả tích cực trong công tác phòng chống trong 4 tháng đầu năm 2025 là minh chứng rõ nét cho nỗ lực đó.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng kém chất lượng. Trong đó, gần 1.400 vụ án hình sự đã được khởi tố, với hơn 2.100 đối tượng bị điều tra, xử lý. Những con số này thể hiện rõ một thực trạng đáng lo ngại nhưng cũng cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ thị trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Nhiều vụ án lớn được phanh phui như vụ sản xuất hàng giả là thực phẩm tại các Công ty Asia Life, Chị Em Rọt… ở TP. Hồ Chí Minh và Đắk Lắk; vụ buôn bán hàng giả ở lĩnh vực dược phẩm tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group; các vụ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả, thuốc diệt cỏ giả ở Quảng Ninh, Bắc Giang. Ngoài ra, các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới với số lượng lớn cũng được phát hiện, gây thất thu ngân sách nhà nước nghiêm trọng. Việc sản xuất và tiêu thụ mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, TikTok càng làm gia tăng mức độ phức tạp của vấn đề.

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, những hành vi này còn tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, khi người dân hằng ngày có thể phải tiếp nhận những sản phẩm giả, kém chất lượng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, việc gian lận thương mại và buôn lậu còn làm méo mó thị trường, khiến các doanh nghiệp chân chính gặp khó khăn, niềm tin vào pháp luật và sự công bằng bị xói mòn nghiêm trọng.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, ngày 17/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg. Văn bản này thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao độ, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và trọng tâm để giải quyết tận gốc những tồn tại, thách thức trong lĩnh vực này.

Chỉ thị nêu rõ đây là nhiệm vụ có tính lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ toàn hệ thống chính trị, từ các bộ, ngành Trung ương đến chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và đặc biệt là toàn thể người dân. Quan điểm chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” được khẳng định nhằm đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Phương châm hành động “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” cũng được áp dụng để tạo hiệu quả răn đe lan tỏa sâu rộng.

Một điểm nhấn quan trọng trong Chỉ thị là thành lập Tổ công tác quốc gia do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, phối hợp cùng các địa phương tổ chức chiến dịch cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6/2025. Đây là chiến dịch thể hiện sự tập trung nguồn lực và chỉ đạo xuyên suốt nhằm đạt kết quả thực chất trong thời gian ngắn, không chỉ là những giải pháp tình thế mà là bước chuyển mạnh mẽ trong công tác quản lý.

Chỉ thị số 13 không chỉ đề cao vai trò của tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm rõ ràng mà còn đặt trọng tâm vào việc phối hợp liên ngành và ứng dụng công nghệ hiện đại. Việc rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các lực lượng chức năng nhằm loại bỏ chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ và tránh những “khoảng trống” pháp lý được coi là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu quả công tác. Việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ từng bộ ngành, địa phương cùng trách nhiệm của người đứng đầu cũng giúp tăng cường tính chủ động và kỷ luật trong quản lý.

Tinh thần phối hợp giữa các lực lượng công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, y tế, nông nghiệp, công thương, cùng sự đồng hành của các cơ quan truyền thông báo chí tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, định hướng chiến lược hàng hóa giúp tăng cường minh bạch, nâng cao khả năng kiểm soát thị trường và truy tìm nguồn gốc sản phẩm.

Chính phủ cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình sửa đổi, bổ sung các luật liên quan như Luật Thương mại, Luật Thương mại điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược nhằm phù hợp với tình hình mới, đồng thời tăng cường chế tài xử phạt nhằm nâng cao sức răn đe. Công tác kiểm tra, hậu kiểm được tăng cường, đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và các hàng hóa độc hại nhằm bảo vệ sức khỏe người dân một cách hiệu quả nhất.

Việc xử lý nghiêm minh cả về hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm được xác định là trọng điểm để ngăn chặn tái phạm. Bộ Công an được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, đồng thời công khai kết quả nhằm tăng hiệu quả phòng ngừa.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ trọng tâm

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ trọng tâm

Chỉ thị cũng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ, công chức có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Việc xử lý nghiêm minh những cá nhân này được coi là giải pháp then chốt để làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Ngoài các biện pháp hành chính và pháp luật, Chỉ thị đặc biệt chú trọng vai trò của tuyên truyền và nâng cao nhận thức xã hội. Các cơ quan truyền hình, báo chí được chỉ đạo phối hợp xây dựng chuyên đề tuyên truyền rộng rãi về tác hại của hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu nhằm nâng cao cảnh giác của toàn dân. Việc kiểm soát nghiêm ngặt các quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội, cũng được đề cao nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người tiêu dùng là phòng tuyến đầu tiên trong việc chống hàng giả.

“Không ai có thể làm giả nếu không có người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng giả. Vì vậy, vai trò của người tiêu dùng là then chốt. Một cộng đồng tiêu dùng thông minh, hiểu biết, và có thái độ kiên quyết nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ khiến mọi hành vi gian lận trở nên phi lợi nhuận. Người tiêu dùng cần được tiếp cận thông tin minh bạch, cần có công cụ để truy xuất nguồn gốc, để so sánh giá cả và chất lượng. Và trên hết, cần có lòng tự trọng và tinh thần công dân – bởi mua hàng giả không chỉ hại mình mà còn tiếp tay cho tội ác”, ông Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng xác định rõ vai trò của phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng sâu vùng xa, vùng biên giới nhằm ổn định đời sống người dân và giảm thiểu nguyên nhân tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Đây được coi là chiến lược toàn diện, vừa phòng ngừa, vừa xử lý, vừa phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Có thể khẳng định, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự chung tay quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Những kết quả trong 4 tháng đầu năm 2025 cùng Chỉ thị số 13/CT-TTg là nền tảng vững chắc để Việt Nam từng bước xây dựng một thị trường minh bạch, lành mạnh, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, cũng như nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trên trường quốc tế.

Việc hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ hiện đại, xử lý nghiêm minh vi phạm và truyền thông nâng cao nhận thức sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi bất chính. Đây không chỉ là những nỗ lực nhằm bảo vệ thị trường, mà còn là bước chuẩn bị vững chắc để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, công bằng và minh bạch, tạo dựng niềm tin vững chắc cho xã hội.

ĐT

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quyet-tam-day-lui-buon-lau-hang-gia-vi-mot-thi-truong-lanh-manh-phat-trien-ben-vung-164424.html