Quyết tâm đẩy lùi tình trạng tảo hôn

Từ một địa phương được xem là 'điểm nóng' về tình trạng tảo hôn của huyện Hướng Hóa, một quy ước về 'Thôn không có tảo hôn' đã được xây dựng thành công tại thôn Thanh 1, xã Thanh và được người dân tích cực hưởng ứng. Với sự vào cuộc của các sở, ngành, tổ chức liên quan, cùng với quyết tâm cao của người dân, tin tưởng rằng 'điểm nóng' này sẽ sớm chuyển thành điểm sáng trong thực hiện thôn không có tảo hôn tại địa phương.

 Một tiết mục văn nghệ của tuổi trẻ vùng cao

Một tiết mục văn nghệ của tuổi trẻ vùng cao

Thôn Thanh 1 có 105 hộ với 600 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Thời gian qua, bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, cấp ủy đảng, ban điều hành thôn cũng đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện quyền trẻ em, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được sống khỏe, phát triển toàn diện. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra phổ biến ở địa phương này, và những hệ lụy từ tình trạng tảo hôn đang là hồi chuông cảnh báo đối với chất lượng cuộc sống từ chính những “gia đình trẻ con”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ Văn Bồng, nguyên nhân chính của tình trạng tảo hôn là do trình độ dân trí của người dân chưa cao. Việc kết hôn được thực hiện theo phong tục, tập quán, việc lấy vợ lấy chồng chỉ cần sự chấp thuận của cha mẹ hai bên hoặc người đứng đầu dòng họ. Nhiều gia đình còn xem việc lập gia đình của con nhằm tăng thêm nguồn nhân lực để lao động nên mặc nhiên cho các con tảo hôn trong khi các em chưa được trang bị kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cùng với đó, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng tảo hôn ở các xã vùng cao còn xuất phát từ việc quản lí con em trong gia đình chưa chặt chẽ, các bậc phụ huynh chưa quan tâm đến đời sống tâm lí, tình cảm của con em mình khi bước vào tuổi vị thành niên…Công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế; sự thiếu kiên quyết trong quản lí đăng kí kết hôn của chính quyền địa phương... Trước tình hình đó, để hạn chế tình trạng tảo hôn tại thôn Thanh 1, trong 2 năm qua, tỉnh đã xây dựng quy ước “Thôn không có tảo hôn” tại địa phương này. Đến tháng 5/2019, UBND huyện Hướng Hóa có quyết định về việc công nhận quy ước “Thôn không có tảo hôn” tại thôn Thanh 1. Với 5 chương và 17 điều, quy ước được ban hành và đi vào thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng về vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của con em trên địa bàn thôn Thanh 1 nói riêng và trẻ em nói chung.

Mặc dù trong điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng buổi lễ công bố quyết định phê duyệt quy ước “Thôn không có tảo hôn” được UBND huyện Hướng Hóa tổ chức tại thôn Thanh 1 vẫn thu hút đông đảo người dân tham gia. Có mặt từ sáng sớm, chị Hồ Thị Ban, thôn Thanh 1 cho biết: “Hôm nay, khi kí vào bản cam kết xây dựng gia đình không có tảo hôn, tôi rất phấn khởi. Tôi lấy chồng từ lúc tròn 16 tuổi, đến nay gần 30 tuổi đã có 4 con. Từ sau khi lập gia đình, do tuổi hai vợ chồng còn quá trẻ nên khó khăn lắm, không có ruộng để làm, đất trên nương ít, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên tình trạng thiếu đói vẫn diễn ra hằng năm, nhất là thời điểm giáp hạt. Các con lần lượt ra đời trong điều kiện thiếu thốn nên đau ốm thường xuyên… Thông qua việc thực hiện quy ước này, tôi mong muốn các con của mình trong tương lai sẽ sớm thoát hỏi tình trạng tảo hôn, được học hành đàng hoàng để có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Hôm nay, có lẽ người phấn khởi nhất chính là Trưởng thôn Thanh 1 Pả Mặt vì hơn ai hết ông hiểu được những hệ lụy của tình trạng tảo hôn tại địa phương.

Chia sẻ về quyết tâm thực hiện quy ước, Pả Mặt cho biết thêm: “Thực hiện quy ước, chúng tôi sẽ vận động người dân trong thôn phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác phát hiện, can thiệp, hỗ trợ khi địa bàn thôn, bản có phát sinh trường hợp trẻ em có ý định kết hôn. Đồng thời thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, các chính sách liên quan đến trẻ em, các kĩ năng phòng ngừa, can thiệp nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề phòng tránh tảo hôn trẻ em…Qua đó phấn đấu 100% các hộ gia đình trong thôn không xảy ra tình trạng tảo hôn; không tổ chức cưới hỏi cho các trường hợp tảo hôn; không tham gia đám cưới với các trường hợp tảo hôn”.

Để quy ước “Thôn không có tảo hôn” thực sự đi vào đời sống người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã Thanh cần quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm tra, xử lí vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn vi phạm pháp luật. Đề nghị người dân thôn Thanh 1 tiếp tục xây dựng gia đình có nếp sống văn minh, lành mạnh, đầm ấm, vận động con cháu trong dòng họ kết hôn đúng quy định của pháp luật, không tổ chức lễ cưới cho con cháu khi chưa đến tuổi kết hôn. Đồng thời chủ động phát hiện, báo cáo cho cộng tác viên thôn, bản về các hành vi có thể dẫn đến tảo hôn, xâm hại, ngược đãi, bóc lột trẻ em. Khuyến khích, động viên, nuôi dạy con em tích cực học tập văn hóa, nâng cao kiến thức, kĩ năng trong tự phòng tránh tảo hôn; vận động bạn bè, cộng đồng xã hội không tảo hôn và tổ chức tảo hôn.

Để góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2361 về Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 và Quyết định 498/2015/TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 103/2016 về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với tổ chức Plan Việt Nam tại Quảng Trị triển khai Dự án Phòng chống kết hôn trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2019… Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các địa phương, nhất là những xã vùng cao cần tiếp tục công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đến với từng người dân, từng cơ sở. Chỉ cho người dân thấy rõ những lợi ích của việc kết hôn đúng độ tuổi theo quy định của pháp luật và hậu quả của việc tảo hôn đối với gia đình và xã hội. Cùng với đó cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng để vận động người dân dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó cần nhân rộng hơn nữa những mô hình hay, cách làm tốt trong việc phòng, chống tình trạng tảo hôn để giúp người dân nâng cao nhận thức về việc cho con em kết hôn đúng độ tuổi theo quy định của pháp luật.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142233