Quyết tâm, đồng lòng để vươn xa
Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ có tác động trực tiếp, sâu rộng tới lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tập quán canh tác cũ, các FTA cũng chính là thách thức không dễ vượt qua.
Phải khẳng định, cơ hội mà các FTA mang lại là mang tính bao trùm, mở ra nhiều hướng phát triển mới cho lĩnh vực nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Điều này càng ý nghĩa khi Việt Nam có những nông sản đặc sản, đã được người tiêu dùng ở một số thị trường khó tính ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng. Đây là điều kiện không thể tốt hơn để nông sản gia tăng giá trị xuất khẩu, nếu tận dụng tốt.
Nhìn rộng ra, các FTA sẽ tác động mạnh mẽ vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng tích cực, tạo thêm nhiều việc làm trong nước. Đặc biệt, môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ có nhiều chuyển biến, đây là cơ sở quan trọng cho khu vực nông thôn tiếp tục được "thay da, đổi thịt".
Nhưng, để tận dụng được cơ hội cần nhận diện thách thức để chủ động vượt qua. Với các cam kết sâu rộng, tính ràng buộc cao, các FTA sẽ tác động mạnh đến ngành Nông nghiệp. Đó là tính cạnh tranh sẽ quyết liệt, gay gắt hơn trên nhiều cấp độ. Cùng với nhiệm vụ mở rộng thị trường xuất khẩu, nông sản Việt phải giữ vững vị thế "sân nhà" trước hàng nhập khẩu do hàng rào thuế quan dần được cắt giảm.
Để phát huy lợi thế, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, không thể không hướng đến chuyên nghiệp.
Trước hết, nền sản xuất nông nghiệp phải khắc phục cho được những hạn chế cố hữu như sản xuất nhỏ lẻ, yếu kém trong chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thiếu kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ không ổn định...
Đặc biệt, các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những đơn vị xuất, nhập khẩu nông sản, nông dân phải nắm vững những cam kết của Việt Nam với các đối tác để thực thi cho đúng, đồng thời có hành động kịp thời nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bởi, khi đã gia nhập sân chơi quốc tế thì phải nắm rõ quy định và tuân thủ các cam kết, nếu không sẽ thiệt hại khó lường. Trong đó, lưu ý với các doanh nghiệp - chủ thể tạo nên sức mạnh trên thị trường, cần tăng cường liên kết với các bên liên quan, quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, mô hình quản trị, chiến lược kinh doanh để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Cùng với đó, việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực là đòi hỏi cấp bách để vừa thực thi tốt các cam kết, vừa chủ động tranh tụng trong các vụ việc khiếu kiện (nếu có), tránh bị trừng phạt thương mại và bảo vệ được nền sản xuất trong nước.
Và để "không ai bị bỏ lại phía sau", những thách thức về mặt xã hội cũng cần được quan tâm thích đáng. Bởi lẽ, những nông dân, doanh nghiệp nhỏ ở khu vực nông thôn rất dễ bị tổn thương, do trình độ sản xuất, cạnh tranh còn hạn chế. Vì vậy, để bảo đảm chiến lược tăng trưởng, phát triển, việc định hướng "đường đi", có cơ chế chính sách phù hợp là rất cần thiết.
Vấn đề cốt lõi là, bên cạnh việc chú trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản được bao nhiêu, thì phải xác định được giá trị gia tăng trong đó và doanh nghiệp, nông dân được hưởng lợi như thế nào?
Bối cảnh mới, đây không còn là việc của riêng cấp, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, mỗi nông dân mà cần sự quyết tâm, đồng lòng cùng thực hiện các mục tiêu chung để đứng vững rồi vươn xa hơn, bền vững hơn.