Quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đưa Hưng Yên phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc
TRẦN QUỐC VĂN,Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnhNăm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai, lũ lụt, đặc biệt bão số 3 (bão Yagi) ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành cùng toàn thể Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất (SX), thúc đẩy phát triển KT, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân, nhờ đó KT-XH của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch đề ra.
Kinh tế Hưng Yên vững vàng tăng trưởng
Năm 2024, do ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ nên khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã sụt giảm 1,63% so với năm trước; khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng đạt thấp, chỉ tăng 3,65%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2024 của Hưng Yên vẫn ước đạt 7,7% (kế hoạch 7,5-8%). Động lực chủ yếu đóng góp vào sự tăng trưởng đó là từ khu vực công nghiệp, xây dựng (CN,XD) tăng 11,07%. Trong đó, chỉ số SX công nghiệp tăng 10,25% (kế hoạch 8,5%). Đây là mức tăng cao trong vòng 5 năm trở lại đây, cho thấy sản xuất công nghiệp của tỉnh đang có sự phục hồi và phát triển. Đặc biệt hai ngành có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp là SX sản phẩm từ kim loại đúc sẵn và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính. Trong lĩnh vực XD, hoạt động XD nhà các loại tăng khá; hoạt động XD các công trình kỹ thuật dân dụng từ nguồn vốn đầu tư công được các cấp, các ngành quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư đã tác động tích cực đến tăng trưởng ngành XD; giá trị sản xuất ngành XD trong năm 2024 ước tăng 17,94% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 46%.
Nhờ nỗ lực không ngừng trong cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại nên Hưng Yên trở thành địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Hưng Yên lọt vào Top 10 Địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024 do Vietnam Report (Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam) công bố. Năm 2024, tỉnh thu hút đầu tư mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 25.751 tỷ đồng và 1.400 triệu USD. Đến nay, tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh 2.328 dự án, trong đó có 1.730 dự án trong nước và 598 dự án nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký là 346.038 tỷ đồng và 8,4 tỷ USD. Trong năm 2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký mới cũng tăng cao so với những năm trước.
SỐ DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI
Năm 2021: thành lập mới 1323; số vốn 12.153 tỷ đồng
Năm 2022 thành lập mới 1.354; số vốn 29.583 tỷ đồng
Năm 2023 thành lập mới 1607; số vốn 28.361 tỷ đồng
Năm 2024 thành lập mới 1.860; số vốn 32.934,7 tỷ đồng
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực CN,XD nên trong những năm qua, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉ trọng giá trị trong GRDP của các ngành CN,XD tăng nhanh. Năm 2024, GRDP bình quân đầu người tăng so với năm 2023; thu ngân sách đều vượt kế hoạch đề ra, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đầu tư phát triển của tỉnh. Nhìn nhận một cách tổng thể, các cân đối kinh tế lớn và tiềm lực của tỉnh tiếp tục được củng cố vững chắc hơn.
NHỮNG KẾT QUẢ CHỈ TIÊU NỔI BẬT NĂM 2024
1- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 tăng 7,7% (năm 2021 là 8,41%; năm 2022 là 13,67%; năm 2023 là 10,71%).
2- Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 62,65% - Dịch vụ 24,85% - Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,78% - Nông nghiệp, thủy sản 6,72%.
3- GRDP bình quân đầu người 121,3 triệu đồng.
4- Thu ngân sách đạt 40.114 tỷ đồng, đạt 122,2% so với dự toán, tăng 23,6% so với năm 2023.
5- Tỉ lệ đô thị hóa đạt 46%
6- Tỉ lệ hộ nghèo: 0,44%.
Xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là một đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, nên trong những năm qua, Hưng Yên đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị, nông thôn. Trong đó, nhiều công trình, dự án đang triển khai mang tính động lực, tạo sức lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan, Dự án mở rộng, nâng cấp đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án Đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376... Tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư và nhanh chóng khởi công các công trình giao thông trọng điểm khác như: Tuyến đường bộ kết nối di sản văn hóa, du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng; Dự án xây dựng cầu Cửu An 1 (bên phải) và cầu Cửu An 2 (bên trái) trên đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tỉnh Hưng Yên; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp…
Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý kiến trúc - quy hoạch theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt: Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu Bô Thời - Dân Tiến (Khoái Châu) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; 10 nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị, 2 đồ án quy hoạch phân khu đô thị; 8 nhiệm vụ và 10 đồ án quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch) chi tiết đô thị, dự án đầu tư xây dựng; 8 nhiệm vụ và 5 đồ án quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch) khu, cụm công nghiệp; quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch); 10 dự án sản xuất công nghiệp.
Nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu với các nhiệm vụ thiết thực, hiệu quả. Năm 2024, dự kiến tỉnh có thêm 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt tỉ lệ 100%; có thêm 10-15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đưa tỉ lệ các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lên trên 30%; huyện Văn Giang đạt huyện NTM nâng cao...
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,44%. Giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm; tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80,83%; duy trì tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%; tỉ lệ xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 78,39%. Năm 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 34.439 người; tỉ lệ lao động qua đào tạo 70%. Tỉ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt 92%; tỉ lệ gia đình văn hóa đạt 92,3%; tỉ lệ làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đạt 90,5%. Quốc phòng, quân sự địa phương; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch đề ra. Khu vực nông nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, giá trị sản xuất giảm. Điều kiện chăn nuôi một số cơ sở chưa đảm bảo an toàn sinh học. Ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản vẫn diễn biến phức tạp. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch giao; vi phạm hành lang an toàn đường bộ vẫn còn diễn ra…
Những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2025
Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đã đề ra. Do vậy, Hưng Yên sẽ phát huy những kết quả đã đạt được cũng như tập trung các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn trong năm qua. Những nhiệm vụ cần tập trung cao độ nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, đó là: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát giá cả, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2025
1- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh (GRDP) tăng 8%.
2- Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 63,5% - dịch vụ 24,4% - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,1% - nông nghiệp, thủy sản 6,0%.
3- GRDP bình quân đầu người 131,4 triệu đồng.
4- Thu ngân sách trên địa bàn 44.923 tỷ đồng.
5- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 78.855 tỷ đồng.
6- Tỉ lệ đô thị hóa đạt 48%.
7- Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,35%.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tăng tốc thực hiện các khâu đột phá chiến lược về: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án trọng điểm: Xây dựng khu hành chính tập trung tỉnh Hưng Yên; Khu liên hợp thể thao tỉnh Hưng Yên; Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ; Khu vực vùng bãi ven sông Hồng, phía Bắc thành phố Hưng Yên; Sân golf sông Hồng… Qua đó góp phần quan trọng sớm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đưa Hưng Yên phát triển ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh, hạnh phúc.
Cùng với đó, UBND tỉnh giao các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư công. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại đã được UBND tỉnh ban hành. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân; không để xảy ra thiếu nguồn cung xăng dầu, khan hiếm hàng hóa, nhất là trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025. Rà soát, bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Tập trung khai thác tốt các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước.
Hưng Yên sẽ bám sát thực tiễn, huy động mọi nguồn lực xã hội để tiếp tục thực hiện Quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm tính bền vững, phù hợp xu thế phát triển chung hướng tới mục tiêu đưa Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm để góp phần làm nên "kỳ tích sông Hồng” như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên năm 2024. Đồng thời tổ chức lập quy hoạch chung đô thị Hưng Yên theo tiêu chí đô thị loại I. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình, đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải cách hành chính (CCHC), triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Phấn đấu năm 2025, chỉ số CCHC tỉnh nằm trong Top 10 tỉnh/thành phố. Nỗ lực đưa khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính đột phá của tăng trưởng kinh tế. Duy trì chất lượng phổ cập giáo dục; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Chú trọng gắn kết chính sách phát triển KT với chính sách phát triển XH bền vững. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo về mức khoảng 0,35%. Chú trọng việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, đảm bảo xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, con người Hưng Yên toàn diện.
Thường xuyên quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” gắn với phát triển KT-XH ở địa phương. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chú trọng thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 rất nặng nề, tình hình trong nước và tỉnh ta còn nhiều khó khăn, thách thức; đòi hỏi các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 đã đề ra.