Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu năm học 2023 - 2024
Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 với nhiều khó khăn, thách thức. Song với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang triển khai các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn. Nhân dịp đầu năm học mới, phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Minh Cảnh (trong ảnh), Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về những giải pháp, mục tiêu của năm học. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên: Trước tiên xin đồng chí có thể điểm qua một số kết quả nổi bật mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đạt được trong năm học 2022 - 2023?
Đồng chí Hoàng Minh Cảnh, Phó Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo.
Đồng chí Hoàng Minh Cảnh: Năm học 2022 - 2023 ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hiệu quả chủ đề năm học “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Ngành đã phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương tham mưu với HĐND và UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với người dạy và người học, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo Sở và phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông công lập đã góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục.
Ngành đã thực hiện hiệu quả giao chỉ tiêu chất lượng và nhiệm vụ đổi mới, đột phá cho người đứng đầu các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục. Công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp được thực hiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ cao hơn bình quân của cả nước. Toàn tỉnh đã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt chỉ tiêu đề ra; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được bổ sung, việc triển khai xây dựng Trường THPT Chuyên tại địa điểm mới đảm bảo tiến độ...
Trong thời gian qua, chất lượng giáo dục đại trà có bước phát triển đáng khích lệ; điểm trung bình kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023 - 2024 cao hơn so với năm học trước; điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh năm 2023 xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh từng bước được nâng lên, năm 2023, tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố về chất lượng giải học sinh giỏi quốc gia; có 1 dự án Khoa học kỹ thuật được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ.
Ngành đã duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn chuyên môn các cấp học; “bệnh thành tích” trong giáo dục từng bước được khắc phục. Công tác ứng dụng CNTT và chuyển đổi số từng bước được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và dạy học. Công tác truyền thông được đẩy mạnh nhằm tạo sự đồng thuận cao của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; các cơ sở giáo dục đã chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức quốc phòng - an ninh, truyền thống văn hóa, lịch sử cho học sinh, sinh viên...
Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Minh Cảnh: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Đó là tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, hiện chỉ đạt 65%, thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 85%, số phòng học bộ môn, phòng chức năng, đồ dùng, thiết bị dạy học còn thiếu nhiều so với quy định.
Bên cạnh đó, số lượng người làm việc được giao ở các cấp học đều thấp hơn so với nhu cầu và định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là giáo viên dạy Tiếng Anh và Tin học. Do thiếu giáo viên nên tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học chỉ đạt 51,1%, phát sinh tiền dạy thêm giờ kể cả khi đã có đủ định mức biên chế được giao. Đặc biệt là tình trạng quá tải ở nhiều trường học trong tỉnh, nhất là ở trung tâm thành phố do thiếu giáo viên và phòng lớp học.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng chất lượng giáo dục giữa các nhà trường còn chênh lệch tương đối lớn và còn hạn chế ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (ví dụ như điểm trung bình kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của thành phố Tuyên Quang năm 2023 là 5,81 điểm trong khi tại Lâm Bình chỉ đạt 3,88, Na Hang 4,32 điểm). Hiện nay, tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS còn thấp mới chỉ đạt 10% (tỷ lệ trong kế hoạch đến năm 2025 là 35%), thấp nhất trong 7 tỉnh Cụm thi đua số 5 (tỉ lệ phân luồng bình quân Cụm thi đua số 5 là 22,5%)…
Phóng viên: Vậy ngành Giáo dục và Đào tạo đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn và hoàn thành tốt các mục tiêu trong năm học mới 2023 - 2024, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Hoàng Minh Cảnh: Để tháo gỡ khó khăn và hoàn thành tốt các mục tiêu trong năm học mới 2023 - 2024 ngành đã triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, kế hoạch đã được ban hành, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đột phá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; từng bước nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút giáo viên theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND. Đồng thời tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh; cố gắng tăng tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ theo Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đẩy mạnh phát triển mạnh giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập phù hợp với tình hình địa phương.
Toàn ngành cũng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, kiên quyết chống “bệnh thành tích” trong giáo dục. Cùng với đó thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời tiếp tục sử dụng hiệu quả, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục. Đồng thời triển khai, thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành, tổ chức khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích để lan tỏa, nhân rộng, tạo sức bật mới.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết công tác chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Hoàng Minh Cảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố rà soát về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên để có giải pháp trang cấp, bổ sung, sắp xếp đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục năm học 2023 - 2024, đặc biệt đối với các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71 ngày 30/6/2020 của Chính phủ.
Đặc biệt là tổ chức thực hiện tuyển dụng giáo viên đảm bảo đúng kế hoạch của tỉnh, triển khai thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục của tỉnh theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa và chỉ đạo việc cung ứng đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh đầu năm học mới 2023 - 2024.