Quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp
Quảng Trị là vùng đất nằm ở miền Trung có vị trí đặc biệt trong chiều dài của lịch sử dân tộc. Vùng đất này, phải chịu bao cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề của kẻ thù nhưng chính những kẻ thù mạnh nhất cũng không thể làm cho quân, dân Quảng Trị khuất phục.
Từ hào khí của những ngày khởi nghĩa giành chính quyền
Nhìn lại thời gian từ cuối tháng 9/1939 đến đầu năm 1944, hoạt động trong hoàn cảnh đầy gian khổ, ác liệt, có lúc mất liên lạc với cấp trên nhưng cán bộ, đảng viên và Nhân dân Quảng Trị vẫn nêu cao tinh thần kiên cường, bất khuất đánh đuổi kẻ thù.
Đặc biệt, đứng trước tình thế thay đổi, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đề ra nhiệm vụ phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, gấp rút chuẩn bị về mọi mặt để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, giải phóng dân tộc.
Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, tháng 4/1945, sau khi Tỉnh ủy được lập lại, Hội nghị Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân vào các đoàn thể cứu quốc, xây dựng các đội tự vệ, thành lập các ủy ban Việt Minh huyện, xã, củng cố tổ chức cơ sở đảng, chuẩn bị để khi có điều kiện thì đứng dậy giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Đầu năm 1945, sau khi cán bộ, đảng viên cộng sản bị Pháp giam cầm trong các nhà lao lần lượt được Nhật trả tự do trở về đã chắp nối lại cơ sở, Phủ ủy Vĩnh Linh được củng cố và bắt đầu hoạt động trở lại. Các tổ chức đảng ở nhiều nơi được thành lập. Ủy ban Việt Minh ra đời, các đội tự vệ chiến đấu, các hội cứu quốc một số nơi được thành lập.
Cuối tháng 7/1945, Ủy ban Dân tộc giải phóng phủ Triệu Phong được thành lập do ông Lê Thế Hiếu làm chủ tịch. Ủy ban Dân tộc giải phóng phủ tổ chức thực hiện chính sách của Việt Minh, vận động Nhân dân đem nhân tài, vật lực ủng hộ Việt Minh, đặc biệt củng cố dân quân, tự vệ chiến đấu, luyện tập quân sự, tổ chức canh gác, giữ gìn trật tự an ninh cũng như đẩy mạnh tuyên truyền vũ trang xung phong vào các vùng cơ sở cách mạng còn yếu.
Việc thành lập khu giải phóng và Ủy ban Dân tộc giải phóng Triệu Phong, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tinh thần phấn khởi cách mạng của Nhân dân trong địa phương và có ảnh hưởng rộng ra các phủ, huyện khác.
Ngày 9/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và chỉ trong một tuần lễ, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn một triệu tên trong đạo quân Quan Đông thiện chiến của phát xít Nhật, giải phóng toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc và miền Bắc Triều Tiên, buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện. Tin Nhật đầu hàng truyền đi khắp nước đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng lên cao chưa từng thấy trong Nhân dân. Ở Quảng Trị, các cuộc mít tinh, biểu tình thị uy vũ trang do Việt Minh tổ chức ở các địa bàn đã thu hút hàng vạn người tham gia.
Sau 3 ngày đêm tập trung chuẩn bị, đến ngày 22/8/1945, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chủ yếu ở tỉnh lỵ cơ bản đã hoàn thành. Đúng 1 giờ ngày 23/8/1945, theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, cuộc khởi nghĩa ở thị xã Quảng Trị bắt đầu và kết thúc thắng lợi vào lúc 5 giờ cùng ngày. 9 giờ sáng ngày 23/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trước trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh. Trước hàng vạn Nhân dân đến dự mít tinh mừng thắng lợi, ông Trần Hữu Dực thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh trịnh trọng tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị, tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai của phát xít Nhật.
Đến sự hồi sinh mãnh liệt của quê hương Quảng Trị
Sau khi đất nước được thống nhất, đặc biệt kể từ khi tỉnh Quảng Trị được lập lại năm 1989, bám sát sự lãnh đạo của trung ương, tình hình thực tiễn địa phương, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị qua các nhiệm kỳ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch cụ thể để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, lãnh đạo Nhân dân nỗ lực vượt qua khó khăn, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển quê hương.
Gần đây nhất, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Từ mục tiêu này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động bền vững, hiệu quả; ưu tiên tập trung đầu tư phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế nổi trội tạo đột phá; xây dựng một số vùng kinh tế động lực trở thành cực tăng trưởng thúc đẩy và lan tỏa đối với nền kinh tế của địa phương, đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Với cách làm này, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh năm sau cao hơn năm trước, năm 2023 đạt 6,68%, GRDP bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước thực hiện được 3.800 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp đạt 5,41%, năng suất, sản lượng của hầu hết các loại cây trồng, vật nuôi đều tăng. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 7,95%, thương mại, dịch vụ đạt 6,41%.
Đặc biệt, với chiến lược đẩy mạnh phát triển công nghiệp, TTCN, đến nay trên địa bàn tỉnh có 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, hơn 7.700 cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động.
Bên cạnh đó, với phương châm lấy công nghiệp năng lượng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, những năm gần đây các nhà đầu tư đã xây dựng 19 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời và 11 dự án thủy điện đóng góp một nguồn ngân sách đáng kể cho địa phương. Các chương trình mục tiêu quốc gia được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều dự án lớn được triển khai, như: Cảng nước sâu Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Quốc lộ 15D, Khu kinh tế thương mại biên giới chung Lao Bảo - Densavanh được nghiên cứu triển khai mở ra cơ hội mới cho tỉnh Quảng Trị phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 huyện là Cam Lộ, Triệu Phong, Vĩnh Linh đạt chuẩn NTM. Quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng 190 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần, tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989.
Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, BCH Đảng bộ tỉnh xác định triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua kết quả đánh giá xếp loại, hằng năm số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trên 90%, Đảng bộ tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.