Ra đường với áo của mẹ, quần của bố
Thời trang vintage lên ngôi, nhiều người trẻ lựa chọn mượn quần áo bố mẹ, phối hợp với các item hiện đại để vừa tiết kiệm chi phí mua sắm, vừa phù hợp với xu hướng thịnh hành.
Sinh sống và làm việc xa nhà, mỗi lần trở về quê, Quỳnh Thảo (26 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) không mang theo nhiều trang phục nhằm giảm thiểu khối lượng hành lý, tránh tình trạng tay xách nách mang tại bến xe, ga tàu.
Tuy nhiên, rắc rối xảy ra khi cô thiếu quần áo mặc cho những ngày lễ, kỳ nghỉ kéo dài tại quê nhà. Để giải quyết vấn đề này, cô đành “lục” tủ đồ của bố mẹ để mượn tạm quần áo. Vài lần, Quỳnh Thảo bất ngờ khi tìm được nhiều item ưng ý, từ đó thay đổi quan điểm về việc diện đồ của phụ huynh.
“Bên cạnh những chiếc váy hoa khá ‘luống tuổi’, mẹ tôi cũng sở hữu áo dạ tweed hợp xu hướng. Blazer, áo da của bố lại càng thời thượng, dễ phối đồ”, Thảo nói với Zing.
Theo Russh, trào lưu “thời trang của bố” bùng nổ trong năm 2022 và tiếp tục duy trì sức hút vào năm 2023. Những món đồ được phụ huynh mặc trong thập niên 80 quay trở lại thị trường thời trang, tạo xu hướng độc đáo.
Tại Việt Nam, kiểu ăn mặc này cũng được nhiều người trẻ hưởng ứng trong thời gian qua. Không chỉ mặc đồ của bố, mẹ khi dạo phố, chụp ảnh, nhiều tín đồ thời trang còn ứng dụng đi làm, tham dự sự kiện.
Nhà thiết kế Nguyễn Minh Công khẳng định “thời trang của bố” không phải là chúng ta mang toàn bộ áo quần của phụ huynh từ những năm 1980 trở lại. Những item cũ cần được cách điệu, biến tấu và kết hợp khéo léo để phù hợp với dòng chảy thời trang đương đại.
Vừa tiết kiệm, vừa hợp xu hướng
Định hướng phát triển trong lĩnh vực thời trang với vai trò KOL, KOC, Hà Phương (23 tuổi) phải liên tục thực hiện các bộ hình, clip với trang phục không trùng lặp. Với tần suất đăng tải 2-3 video/tuần, cô đau đầu thay đổi váy áo, tìm cách phối hợp để khiến món đồ cũ trở nên mới mẻ hơn.
Sau clip mặc blazer của bố thu về gần 100.000 lượt thích trên mạng xã hội, Phương nhận ra tính ứng dụng cao của quần áo bố mẹ. Trước đó, KOC này cho rằng các món đồ thời trang của thế hệ trước tương đối già, không hợp với phong cách trẻ trung, năng động của cô.
Thậm chí, sau khi dành thời gian “bới” tủ phụ huynh, cô tìm thấy số lượng lớn áo quần có thể phối theo nhiều style khác nhau. Sau nhiều lần mượn và thành công phối vest của bố, váy của mẹ, Hà Phương thừa nhận tiết kiệm được khoản chi phí tương đối lớn cho váy áo.
“Nhờ có tủ đồ của bố mẹ, tôi tiết kiệm được hàng chục triệu đồng cho váy áo để phục vụ công việc sáng tạo nội dung thời trang trên mạng xã hội. Đây là khoản đầu tư tương đối lớn, trong khi tôi chưa chắc chắn về lợi nhuận kiếm được”, Phương chia sẻ.
Sau khi hợp tác với một số nhãn hàng, Hà Phương được các thương hiệu tài trợ trang phục, giúp cô bớt loay hoay trong việc làm mới outfit. Tuy nhiên, KOC này nhận ra sức hút của các video mặc quần áo bố mẹ nên tiếp tục yêu cầu đối tác cung cấp những món đồ theo phong cách này.
Phương dự định theo đuổi xu hướng này lâu dài, tạo ra nét riêng cho kênh cá nhân giữa thị trường nội dung thời trang ngày càng phong phú, đa dạng.
Không làm việc trong lĩnh vực thời trang, Duy Hiệp (22 tuổi) mượn đồ bố mẹ vì theo đuổi phong cách thời trang vintage. Làm việc trong môi trường quân đội, anh ưa chuộng outfit chỉn chu, lịch sự.
Theo chia sẻ của chàng quân nhân 22 tuổi, phụ huynh của anh thường chọn vải kỹ càng, chuộng đặt may trang phục thay vì mua hàng bày bán sẵn tại cửa hiệu, trung tâm thương mại. Vì thế, sơ mi, quần tây của bố mẹ sở hữu chất lượng tốt, đường may đẹp.
“Người trẻ như tôi khá thiếu kiên nhẫn, không muốn chờ đợi lâu để sở hữu một món đồ nên ít khi tìm đến tiệm may. Các sản phẩm thời trang nhanh sở hữu giá thành phải chăng hơn, song không đảm bảo về chất lượng vải, đường cắt”, Hiệp nói.
Sau nhiều lần mặc đồ bố mẹ, anh ưng ý cả về kiểu dáng và chất lượng. Duy Hiệp chủ động xin phụ huynh địa chỉ cơ sở may đồ quen để đặt áo quần theo phong cách này.
Anh thậm chí còn chụp hình quần áo cha mẹ để làm mẫu cho nhà thiết kế, thợ may tại cửa tiệm. Hiệp chấp nhận chi trả nhiều hơn 1,5-2 lần so với sản phẩm bán sẵn, chờ đợi hàng tuần để diện trang phục vừa ý, phù hợp phong cách vintage đang theo đuổi.
Bị chê già, phải tự cắt sửa
Dù ưa chuộng các món đồ thời trang của phụ huynh, Duy Hiệp thường gặp khó vì kích cỡ quần áo nhỏ. Đặc biệt yêu thích chiếc quần tây bố mặc từ hơn 20 năm trước, song anh không thể diện xuống phố vì mẫu quần này ngắn, bị cộc khi mặc lên người.
“Chiếc quần này gắn liền với kỷ niệm thuở yêu đương của cha mẹ, đồng thời phù hợp với xu hướng vintage, nhưng tôi đành gấp gọn, cất đi sau nhiều lần ‘nhòm ngó’ vì không diện vừa”, Hiệp tiếc nuối cho hay.
Đối với một số món đồ có thể nới rộng, anh lập tức mang ra hàng sửa chữa để điều chỉnh cho phù hợp với tỷ lệ cơ thể. Duy Hiệp thường phải nới đai, hạ gấu ống quần của bố cho vừa với chiều cao của mình.
Khi mượn đồ của mẹ, anh cũng phải lựa chọn những món oversize để tiết kiệm thời gian và công sức chỉnh sửa. Áo khoác là một trong những item đáp ứng được tiêu chí này.
Biết con trai thường tận dụng lại trang phục của mình, mẹ của Hiệp cũng thường xuyên mua áo khoác unisex (phi giới tính), tạo điều kiện cho anh phối đồ.
Theo đuổi phong cách menswear và blockcore, Minh Ngọc (25 tuổi, quận 4, TP.HCM) thường xuyên mượn đồ của bố để mặc đi làm, gặp gỡ bạn bè, tham dự sự kiện. Hàng ngày, cô mặc những chiếc áo phông in logo đội bóng yêu thích Manchester United của bố vì cho rằng món đồ này khá thoáng mát, phù hợp với thời tiết oi nóng tại TP.HCM.
Khi tham gia các buổi gặp gỡ, cô lại xây dựng phong cách menswear bằng cách diện blazer, quần ống rộng từ tủ đồ của phụ huynh. Tuy nhiên, do lỗi phối đồ, cách lựa chọn màu sắc, chất liệu và họa tiết không phù hợp, Ngọc nhiều lần bị chê già, lỗi mốt.
“Tưởng bà cô U50”, “Họa tiết này lỗi thời lâu rồi”, “Sao bây giờ vẫn có người mặc kiểu đồ này ra đường”, cô nhớ lại những lời chê bai khi theo đuổi trào lưu “thời trang của bố”.
Sau một số lần mắc lỗi, Minh Ngọc rút kinh nghiệm bằng cách không diện cả cây trang phục của bố mẹ ra đường. Cô kết hợp những item cổ điển với các món đồ hiện đại để tổng thể outfit trở nên thời thượng, hợp xu hướng hơn.
Không dễ ứng dụng thời trang của bố
Theo nhà thiết kế Nguyễn Minh Công, xu hướng “thời trang của bố” sẽ còn kéo dài do trào lưu trang phục cổ điển, Y2K vẫn được yêu thích.
Tuy nhiên, nếu không biết cách phối đồ, người mặc dễ dàng mắc lỗi trang phục, trở nên lỗi mốt. Anh cho rằng điều quan trọng nhất là giữ được yếu tố cổ điển và thêm thắt màu sắc, chi tiết hiện đại.
Khi kết hợp màu sắc, người mặc cần lưu ý lựa chọn những món đồ cùng tông. Cụ thể, tông màu đất (nâu, be, vàng) hoặc màu tối (đen, xanh navy, xám) là sự lựa chọn an toàn cho các tín đồ thời trang.
Khi lựa chọn chất liệu, bạn nên ưu tiên những loại vải mang đến sự thoải mái, dễ dàng di chuyển, cử động như linen, cotton, len, denim. Muốn theo đuổi phong cách “thời trang của bố”, bạn cần giải phóng hình thể, đề cao sự tự do, phóng khoáng.
Khi chọn kích cỡ trang phục, người mặc không nên lạm dụng sự rộng rãi, thùng thình. Những món quần, áo rộng hơn tỷ lệ cơ thể 1-2 size là sự lựa chọn tối ưu. Đây là cách giúp bạn tránh tình trạng luộm thuộm khi đến văn phòng, dạo phố.
Khi kết hợp phụ kiện, các tín đồ thời trang có thể sử dụng kính mắt, túi xách cỡ lớn. Những chiếc túi tote cỡ đại chất liệu da đang được ưa chuộng trong mùa thời trang nửa đầu năm 2023. Đặc biệt, da cũng là loại vải khơi gợi cảm hứng cổ điển, phù hợp với phong cách street style (tạm dịch: “thời trang đường phố”).
Ngoài ra, khăn choàng, caravat cũng là những món đồ có thể phối hợp cùng quần áo của bố. Những chi tiết nhỏ đó sẽ tạo ra điểm nhấn cho outfit của bạn.
Cuối cùng, nhà tạo mẫu Nguyễn Minh Công cho rằng oversize blazer vẫn là mẫu áo được ưa chuộng nhất đối với các tín đồ theo đuổi mốt “thời trang của bố”. Chiếc áo khoác này có thể kết hợp với chân váy midi, váy maxi, quần ống rộng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ra-duong-voi-ao-cua-me-quan-cua-bo-post1428197.html