Ra Giêng, mấy thanh kẹo lạc 'ế' từ Tết là món quà vặt vô giá của tuổi thơ 8X-9X

Cùng ôn lại tuổi thơ qua những thanh kẹo lạc còn thừa lại từ đĩa kẹo mứt ngày Tết của bà, của mẹ.

Ngày Rằm đầu tiên của năm mới cũng là dấu hiệu kết thúc của một mùa Tết Nguyên đán. Thời điểm này, bánh chưng, giò chả, thịt gà trong nhà cũng đã ăn hết, chỉ còn sót lại ít kẹo bánh còn dư ra, mà nhiều nhất là kẹo lạc được bọc trong những gói nilon trong suốt.

Kẹo lạc là một trong những món kẹo thường được trưng trên khay bánh mứt ngày Tết. (Ảnh: NomNomCat)

Kẹo lạc là một trong những món kẹo thường được trưng trên khay bánh mứt ngày Tết. (Ảnh: NomNomCat)

Với đám trẻ con, đây lại chính là kho báu. Trong Tết, thức ăn ê hề, có mấy đứa nào quan tâm đến những thanh kẹo vừa cứng vừa khô, kém hấp dẫn biết bao so với sô-cô-la đồng tiền hay các loại mứt đủ màu sắc. Vậy nên ra Giêng, kẹo lạc mới chính thức lên ngôi.

Kẹo lạc thường "lép vế" so với các loại kẹo bánh khác nên thường dư ra tới tháng Giêng vẫn còn. (Ảnh minh họa)

Kẹo lạc thường "lép vế" so với các loại kẹo bánh khác nên thường dư ra tới tháng Giêng vẫn còn. (Ảnh minh họa)

Với những ai thuộc thế hệ 8X-9X, kẹo lạc lại càng quen thuộc hơn cả. Những thanh kẹo to bằng 2 ngón tay chập lại, được xắt vuông vắn và bọc trong túi nilon trong suốt, thỉnh thoảng có in thêm hoa đào, hoa mai cho có không khí Tết.

Kẹo thường được gói trong các túi bóng trong suốt. (Ảnh minh họa)

Kẹo thường được gói trong các túi bóng trong suốt. (Ảnh minh họa)

Kẹo lạc tất nhiên được làm từ lạc, nhưng một số nơi còn rắc thêm vừng trắng để tăng thêm mùi thơm. Lạc, vừng được rang chín tới, mùi thơm nức và giòn tan, ăn rất béo và bùi. Phần hạt được trộn đều cùng với đường mạch nha dẻo ngọt, sau cùng rắc lên một lớp bột mịn để cầm tay cho khỏi dính.

Kẹo được làm từ những nguyên liệu vô cùng thân thuộc: lạc, vừng, đường mạch nha. (Ảnh minh họa)

Kẹo được làm từ những nguyên liệu vô cùng thân thuộc: lạc, vừng, đường mạch nha. (Ảnh minh họa)

Vị kẹo ngọt gắt, lạc cũng là món ăn "hút nước" nên ăn nhiều rất dễ khe cổ. Bởi thế mà ông bà thường ăn kẹo với nước chè xanh. Nhưng với tụi trẻ con, chẳng gì tuyệt vời hơn là vừa ngồi nhâm nhi kẹo lạc lại có thêm lon xá xị hay bí đao, nếu không thì nước yến cũng rất hợp khẩu vị con trẻ.

Người lớn ăn kẹo lạc với nước chè. (Ảnh minh họa)

Người lớn ăn kẹo lạc với nước chè. (Ảnh minh họa)

Trẻ con thì lại thích ăn kẹo rồi uống nước ngọt. (Ảnh minh họa)

Trẻ con thì lại thích ăn kẹo rồi uống nước ngọt. (Ảnh minh họa)

Kẹo lạc để được lâu, miễn là không thể vỏ nilon bị hở làm kẹo bị ỉu hay kiến mọt bò vào làm giảm chất lượng kẹo. Thế nên mới có chuyện Tết đã hết từ lâu nhưng người lớn vẫn còn vài thanh kẹo lạc để dành, phòng khi trẻ con nhõng nhẽo còn có cái đem ra dỗ dành.

Rachel Phạm(Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ra-gieng-may-thanh-keo-lac-e-tu-tet-la-mon-qua-vat-vo-gia-cua-tuoi-tho-8x-9x-ar661385.html