Ra mắt bộ sưu tập áo dài độc đáo đón Xuân Tân Sửu
Bộ sưu tập áo dài mang tên 'Nàng thơ' vừa được nhà thiết kế Cao Minh Tiến ra mắt nhân dịp đón Xuân Tân Sửu 2021 đã thu hút sự quan tâm của những người yêu thời trang.
Bộ sưu tập áo dài mang tên "Nàng thơ" vừa được nhà thiết kế Cao Minh Tiến ra mắt nhân dịp đón Xuân Tân Sửu 2021 đã thu hút sự quan tâm của những người yêu thời trang.
25 mẫu áo dài của bộ sưu tập được thiết kế từ cảm hứng dân ca quan họ và những nét văn hóa trang phục truyền thống đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi mẫu áo đều có những nét riêng, kết hợp các chi tiết đặc trưng truyền thống như khăn mỏ quạ, áo yếm, áo tứ thân và ngũ thân đầy ngẫu hứng, được làm tươi mới từ chất liệu dân gian. Trong đó, chủ yếu sử dụng chất liệu nhung the với jean, ka-ki hiện đại để mang đến vẻ đẹp cá tính, huyền ảo, đầy nữ tính với hai tông mầu đen - trắng chủ đạo cùng đường nét trang trí được vẽ và đính thủ công tinh tế, cầu kỳ. Cao Minh Tiến hiện là một trong những nhà thiết kế trẻ tài năng của Hà Nội, từng cho ra mắt nhiều bộ sưu tập áo dài được giới chuyên môn đánh giá cao thời gian qua.
Phố sách Xuân Tân Sửu
Ðã sáu năm qua, Phố sách Xuân Tân Sửu đều đặn được tổ chức từ mồng 3 Tết đến mồng 10 tháng Giêng thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách tới tham dự. Năm nay, với chủ đề "Xuân trao tri thức - Trọn Tết sum vầy" UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức tại phố 19 tháng 12 được chuẩn bị kỹ đã tạo ra không gian tri thức thu hút độc giả. Ðể bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19, tuy không có lễ khai mạc và các hoạt động giao lưu, tọa đàm, biểu diễn nghệ thuật truyền thống như những năm trước nhưng ở cả 16 gian hàng với cả chục nghìn cuốn sách mang đậm nét văn hóa truyền thống vẫn cuốn hút các độc giả mê sách. Ðây là dịp để các đơn vị xuất bản gặp gỡ, tri ân độc giả thông qua các ấn phẩm đặc sắc.
Quảng Bình có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo quyết định mới đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều (thuộc loại hình lễ hội truyền thống) và Hò thuốc cá (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian) là hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại tỉnh Quảng Bình. Lễ hội Trỉa lúa của đồng bào dân tộc Bru -Vân Kiều (tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) diễn ra từ ngày 11 đến 14-7 âm lịch để cầu cho cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi, cây trồng không bị dịch bệnh... Hò thuốc cá là làn điệu dân ca đặc trưng của người Nguồn ở huyện Minh Hóa với nhịp điệu, tiết tấu nhanh theo nhịp chày giã rễ cây "tèng" để chế thành thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá. Như vậy, tỉnh Quảng Bình đã có sáu di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ
Trung tâm Nghiên cứu quốc học và Nhà xuất bản Văn học vừa ra mắt bộ sách "Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ" với 261 truyện ký vốn đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Bộ sách do hai nhà nghiên cứu Lâm Giang và Nguyễn Văn Tuân biên soạn, có hai tập bao gồm các tác phẩm văn xuôi tự sự là truyện ký được lưu giữ trong tài liệu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm đã tồn tại từ thời Lý đến thời Nguyễn. Các truyện dài đặc sắc như: Sự tích Trạng Quỳnh, Sự tích Trạng Lợn… cùng nhiều truyện ngắn truyền kỳ, lịch sử… được tập hợp tạo cho người đọc, nhất là lứa tuổi thiếu nhi niềm tự hào của dân tộc về các danh nhân, ôn lại phong tục, tập quán…