Ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov
Việc Bộ TT-TT phát triển, sớm đưa vào sử dụng PayGov sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối; sử dụng PayGov hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020 và giúp người dân thanh toán dễ dàng, thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công.
Sáng 24-7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức Lễ ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov).
Tham dự có đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, các đơn vị chuyên trách về CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị thuộc Bộ TT-TT, cùng nhiều cơ quan, doanh nghiệp liên quan.
Tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương (ngày 12-2-2020), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT-TT chủ trì xây dựng và triển khai hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc ngay trong năm 2020. Đây được coi là một trong các giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ nút thắt về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn chưa cao.
Việc Bộ TT-TT phát triển, sớm đưa vào sử dụng PayGov sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối; sử dụng PayGov hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020 và giúp người dân thanh toán dễ dàng, thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công.
Cổng PayGov được phát triển không làm chức năng thanh toán trực tuyến mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương kết nối với các hệ thống trung gian thanh toán.
Hệ thống được thiết kế để giải quyết các vấn đề chính sau:
1. Về kết nối, cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành địa phương chỉ cần kết nối với Cổng PayGov với một giao điện thống nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả các trung gian thanh toán. Đồng thời, các trung gian thanh toán chỉ cần kết nối đến Cổng PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả các bộ, ngành, địa phương;
2. Về tra soát, đối soát, quyết toán, Cổng PayGov cung cấp công cụ hỗ trợ giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán giữa các bên liên quan; đặc biệt là hỗ trợ đối soát, quyết toán một cách tự động với kho bạc;
3. Về một địa chỉ thanh toán thống nhất, Cổng PayGov không chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến mà còn có thể mở rộng đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân đối với dịch vụ, tiện ích khác như: y tế, giáo dục, điện, nước,…
Theo Bộ TT-TT, tính đến thời điểm hiện tại Cổng PayGov đã triển khai hợp tác và kết nối với 9 trung gian thanh toán gồm: Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS); Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (ViettelPay); Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY); Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến (M_SERVICE JSC); Công ty CP Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VIETUNION); Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC; Công ty CP Ngân lượng (NGANLUONG JSC); Công ty CP Dịch vụ nền di động Việt Nam (VIMASS JSC); Công ty CP Viễn thông FPT (FPT TELECOM).
Cũng tại lễ ra mắt, 09 Trung gian thanh toán đã thực hiện ký kết Thỏa thuận hợp tác với Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT về việc triển khai Cổng thanh toán quốc gia (PayGov). Cổng PayGov sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi kết nối, hướng đến sẽ kết nối với tất cả các Trung gian thanh toán tại Việt Nam.
Cổng PayGov hiện cũng đã hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cổng dịch vụ công của Bộ TT-TT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và sẵn sàng để đưa vào sử dụng chính thức; đang thực hiện kết nối thử nghiệm với cổng dịch vụ công các tỉnh như: Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Hà Nội,…
Phát biểu tại lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, việc tổ chức lễ ra mắt, đưa vào sử dụng hệ thống PayGov ngày hôm nay chỉ mới là sự bắt đầu của một quá trình thúc đẩy thanh toán điện tử cho các dịch vụ công. Để hệ thống PayGov sớm mang nhiều tiện lợi, nâng cao chất lượng dịch vụ công, hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc “Lấy người dùng làm trung tâm”.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai một số việc để PayGov hoạt động tốt hơn, đúng như kỳ vọng. Đặc biệt, đối với các trung gian thanh toán, cần phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác đã ký, nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thanh toán trực tuyến chất lượng cao cho dịch vụ công tại Việt Nam.
Cục Tin học hóa cần xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống PayGov bảo đảm sự hoạt động ổn định, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ thanh toán trực tuyến dịch vụ công, đáp ứng các nhu cầu về hỗ trợ thanh toán trực tuyến trong Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam. Qua đó thực hiện vai trò của Bộ TT-TT trong tạo lập nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cục Tin học hóa cũng cần chủ động nghiên cứu hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để nghiên cứu, tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, chính sách về phí/giá sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, cùng phối hợp để hướng dẫn và tháo gỡ các vướng mắc nếu có, hướng đến tạo lập sự bền vững cho dịch vụ này tại Việt Nam.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ra-mat-cong-ho-tro-thanh-toan-quoc-gia-paygov-674909.html