Ra mắt Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Sáng 26/2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố quyết định ra mắt Hội đồng tư vấn về kinh tế, nhiệm kỳ 2019-2024.
Ban Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm 3 người, trong đó, PGS. TS. Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam làm Chủ nhiệm Hội đồng.
Hội đồng tư vấn về Kinh tế đã thống nhất xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm 2020. Theo đó, trong năm nay Hội đồng tư vấn kinh tế sẽ tham gia góp ý và phản biện xã hội đối với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Trong năm 2020, Hội đồng cũng tổ chức nghiên cứu, khảo sát, giám sát đề xuất một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế như: phối hợp khảo sát việc đăng ký nhãn hiệu hàng Việt Nam của doanh nghiệp sản xuất, tạm nhập tái xuất; việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp bán lẻ về tỷ lệ hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam.
Tại hội nghị, các ý kiến thành viên của Hội đồng đề nghị phối hợp khảo sát về thị trường, về tỷ trọng hàng hóa sản phẩm Việt, chuỗi bán lẻ, chợ truyền thống; vai trò của Mặt trận trong công tác vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới, thực trạng và giải pháp.
Ông Lê Tiến Dũng, thành viên Hội đồng Tư vấn về kinh tế đề nghị tập trung giám sát về giá điện: “Về nguyên lý cơ bản người mua hàng nhiều được giảm giá thành. Tiết kiệm có nghĩa là dùng không lãng phí. Ở đây không có để dùng không gọi là tiết kiệm. Tiết kiệm là dùng thỏa mãn nhu cầu rồi tiết kiệm, để năng lượng không cao. Nếu điện tư nhân hóa, cho vào bán đi, giữ độc quyền và khống chế hoạt động của dân mà dân kêu nhất là về điện”.
Các đại biểu cũng đề nghị tổ chức Hội nghị tọa đàm chuyên đề trao đổi các giải pháp về phát triển kinh tế tập thể; về xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm Việt; Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 (khóa 12) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, GS. TS. Võ Đại Lược cho rằng, trong khối kinh tế tư nhân thì khối doanh nghiệp tư nhân mới là vấn đề quan trọng.
“Bây giờ Đảng mới chỉ xem khu vực kinh tế tư nhân chứ chưa phải là doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta mở cửa hội nhập nhưng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam yếu, không thể tham gia xuất khẩu. FDI chiếm trên 75 % giá trị xuất khẩu. Cho nên tôi đề nghị đặc biệt chú trọng doanh nghiệp tư nhân, đây là vấn đề rất lớn”, GS. TS. Võ Đại Lược nhấn mạnh./.