Ra mắt hợp tuyển văn xuôi về đề tài chiến tranh của các tác giả Hải Dương
Hợp tuyển 'Văn xuôi Hải Dương viết về chiến tranh cách mạng' gồm 32 tác phẩm có chất lượng tốt của các tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương.
Sáng 10/1, Ban Văn, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương tổ chức ra mắt hợp tuyển “Văn xuôi Hải Dương viết về chiến tranh cách mạng”.
Cuốn sách ra đời nhằm tri ân các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 220 năm ngày khởi lập Thành Đông (1804-2024); 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024); đồng thời nhằm tuyên truyền sâu rộng về giá trị, vai trò, ý nghĩa của những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng cho các thế hệ bạn đọc.
Hợp tuyển do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành, gồm 32 tác phẩm có chất lượng tốt của 32 tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, nòng cốt là hội viên Ban Văn qua các thời kỳ. Trong đó có nhiều nhà văn nổi tiếng của Hải Dương đã mất như: Phù Thăng, Nguyễn Luận, Đỗ Thị Hiền Hòa, Nguyễn Tố Hiệu, Hồ Duy Khuông, Lê Ngung, Trần Phong Sơn…
Về hình thức, sách gồm 429 trang ruột (chưa kể bìa chính và bìa lót). Bìa chính được thiết kế, trình bày tương đối bắt mắt với màu sắc chủ đạo là màu vàng - nâu, trên đó là hình ảnh cây cầu Phú Lương huyền thoại đã đi vào lịch sử, gắn bó với những chiến công hiển hách của quân và dân Hải Dương qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Về nội dung, trong 32 tác phẩm có 18 truyện ngắn, 5 truyện ký, 7 bút ký và 2 trích đoạn tiểu thuyết.
Phần truyện ngắn và trích đoạn tiểu thuyết, hòa chung dòng chảy của văn đàn cả nước, các tác giả Hải Dương với tư tưởng vững vàng và trách nhiệm cao của người cầm bút luôn bám sát hiện thực, xây dựng nên những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống.
Nhiều nhà văn từng tham gia quân đội nên hiện thực chiến tranh, cuộc sống thời chiến được các tác giả đưa vào tác phẩm rất sinh động, chân thực. Đáng lưu ý là trong số 18 truyện ngắn thì có đến 1/3 số tác phẩm đề cập đến thân phận của người phụ nữ trong chiến tranh, rất xúc động.
Cả 5 truyện ký trong hợp tuyển đều dựng lại được bối cảnh, không khí của thời đại, ghi lại những dấu mốc về thời gian, địa điểm, những chiến công và đặc biệt làm nổi bật những chân dung con người có thật trong cuộc sống, chiến đấu của thời kỳ cách mạng sục sôi.
Các bút ký trong tập sách này được các tác giả phản ánh rất đa dạng và sinh động, vừa có những yếu tố của tuyện, vừa có sự tham gia trực tiếp của tư duy nghiên cứu.
Đây là lần đầu tiên Ban Văn, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương thông qua nguồn vốn xã hội hóa tổ chức xuất bản thành công một cuốn sách không chỉ có giá trị văn học nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.