Ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc đưa mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET) vào sử dụng nhằm nâng cao chất lượng xác định vị trí, tọa độ có độ chính xác cao, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Sáng 27/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bấm nút ra mắt VNGEONET, tiếp nhận liên tục tín hiệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GNSS) đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Video ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia:
Qua 4 năm xây dựng, lắp đặt, đào tạo và chuyển giao công nghệ của các chuyên gia đến từ Thụy Sỹ, các đơn vị trong ngành tài nguyên môi trường và sự nỗ lực của cán bộ kỹ thuật Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia đã được hoàn thành gồm 65 trạm phủ trùm cả nước và 1 Trung tâm xử lý dữ liệu tại Hà Nội.
65 trạm GNSS CORS, bao gồm 24 trạm Geodetic CORS được bố trí với khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 150÷200km và 41 trạm NRTK CORS được bố trí tại 3 khu vực, đó là: Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, khu vực Nam Bộ. Khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 50 - 80km.
Dữ liệu của 65 trạm định vị vệ tinh quốc gia được truyền trực tiếp qua mạng internet về Trung tâm xử lý dữ liệu tại Hà Nội để xử lý tính toán và cung cấp cho người sử dụng qua hệ thống sóng 3G, 4G theo thời gian thực. Người sử dụng có thể đăng ký miễn phí các dịch vụ định vị mà hệ thống cung cấp cho thiết bị của mình tại địa chỉ http://vngeonet.vn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ rõ: Ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế các liên quan, đặc biệt là Luật Đất đai, tập trung vào sửa đổi một số điều đang cản trở, vướng mắc; báo cáo, đề xuất giải pháp về: Xác định giá trị đất, phương pháp định giá đất; xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư, tích tụ, tập trung ruộng đất để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; tập trung lập các quy hoạch sử dụng đất quốc gia, sử dụng biển quốc gia... Đồng bộ với quy hoạch phát triển chung của các ngành, các địa phương và bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quản lý hiệu quả tài nguyên nước, đẩy mạnh công tác đấu giá khai thác khoáng sản tạo nguồn thu cho ngân sách...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao các mặt công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt thu ngân sách từ đất tăng, chiếm 11% tổng thu ngân sách của Nhà nước. Những giá trị thứ cấp từ đất tạo ra rất lớn, đó là công nghiệp, dịch vụ, tăng trưởng nền kinh tế, tạo việc làm cho người dân; quản lý sử dụng khai thác chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên nước, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước. Kiểm soát, điều chỉnh, quản lý vận hành quy trình liên hồ chứa nước tốt, hiệu quả, an toàn, bảo đảm 3 mục tiêu giữ nước, điều hòa nước cho các mùa, phục vụ các đối tượng sử dụng nước, phát triển điện và điều tiết điện năng. Các giải pháp kiểm soát môi trường được triển khai hiệu quả...
Tổng kết năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, toàn ngành đã tạo sự chuyển biến rõ nét; cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch theo hướng hiệu quả; an ninh nguồn nước từng bước được đảm bảo; lợi thế, thế mạnh về biển ngày càng được phát triển; chất lượng dự báo khí tượng thủy văn ngày càng được nâng cao…