Ra mắt sách 'Biên khu Việt Quế'
Ngày 16/12, tại Bắc Giang, Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh, Chi hội phó Chi hội Nhà văn quân đội, hiện công tác tại Cục chính trị Bộ đội Biên phòng, ra mắt tiểu thuyết 'Biên khu Việt Quế'.
Cuốn tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” gồm 7 chương, dày hơn 200 trang, cung cấp cho độc giả về chiến dịch “Thập Vạn Đại Sơn”. Theo đó năm 1949, theo đề nghị của đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tư lệnh Biên khu Việt-Quế (Quảng Đông-Quảng Tây), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã phái một lực lượng sang giúp nước bạn Trung Quốc mở chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn nhằm xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm liền với biên giới Đông Bắc nước ta, khuếch trương lực lượng đón Đại quân Nam Hạ, giúp cách mạng Trung Quốc xây dựng, củng cố khu Điền Quế-Việt Quế.
Ngay sau khi mệnh lệnh được phát ra, hàng trăm chiến sĩ ưu tú từ các đơn vị đã hành quân về hội tụ tại làng Bằng (nay thuộc phố Bằng, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Tại đây, trong sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân, vượt qua tai mắt của quân Pháp, các chiến sĩ được chỉnh huấn tư tưởng, học tập về nhiệm vụ quốc tế, rèn luyện yếu lĩnh quân sự, kỹ năng chiến đấu.
Trong suốt 4 tháng, các chiến sĩ Giải phóng quân Việt Nam và Trung Quốc đã chiến đấu không ngừng nghỉ với tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả, chiến thắng trong 9 trận chiến lớn, hàng chục trận chiến nhỏ, bức rút nhiều cứ điểm địch, nối liền hai khu Thập Vạn Đại Sơn và Lục Vạn Đại Sơn, ngăn được Quốc dân Đảng cát cứ tại biên khu Việt Quế.
Với tinh thần không sợ kẻ địch mạnh, không ngại khó khăn gian khổ, không tiếc xương máu, quân đội 2 nước đã mang lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân biên khu, được lưu trong sử sách đấu tranh cách mạng của nhân dân khu Thập Vạn Đại Sơn với lời khen tặng "Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh chỉ thường ác liệt..."
Phát biểu tại đây, Thầy thuốc Ưu tú Thân Văn Nhã (94 tuổi-nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết), hiện trú tại thành phố Bắc Giang, chiến sĩ liên lạc tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn chia sẻ: "Có thể nói chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn là niềm tự hào của những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Chiến dịch này đã thể hiện tình đoàn kết giữa 2 dân tộc, quân đội 2 nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông”.
Với góc nhìn từ “Liên văn hóa”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thanh Tú (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) cho rằng, Tiểu thuyết Biên khu Việt Quế là điểm tựa văn hóa để nhà văn Phạm Vân Anh cắm mốc về tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc thông qua văn học. Thông qua tiểu thuyết đã thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, hữu nghị, đó cũng chính là đích hướng đến của “Liên văn hóa” trong tác phẩm. Những người lính trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đã đổ máu vì độc lập dân tộc, những giọt máu ấy chính là điểm tựa của "Liên văn hóa" đã được thể hiện trong tiểu thuyết.
Phát biểu tại buổi ra mắt tiểu thuyết của mình, nhà văn Phạm Vân Anh cảm ơn những tình cảm nồng ấm của đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp trong ngành báo chí, văn học cũng như mảnh đất Bắc Giang, nơi khởi nguồn của chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn; cũng là nơi có những nguyên mẫu nhân vật để khắc họa thành công tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế”, bài ca về tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ra-mat-sach-bien-khu-viet-que-post787927.html