Ra mắt tập thơ về biên cương Tổ quốc
Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2023) và hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2024), nhà thơ Nguyễn Xuân Việt vừa cho ra mắt tập thơ 'Thanh âm vùng biên' (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).
Tập thơ "Thanh âm vùng biên" gồm 65 bài thơ mang ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2024) - lĩnh vực mà tác giả có nhiều đóng góp và luôn đau đáu, tâm huyết. Đây là tập thơ thứ tư của nhà thơ Nguyễn Xuân Việt, sau các tập: Để nhớ một thời (2017); Tình thơ (2018); Mắt nhớ (2020).
Tập thơ gồm 65 bài thơ viết về những vùng biên giới thiêng liêng của Việt Nam. Mỗi nơi gắn bó với những hình ảnh, những câu chuyện, những cảm xúc sâu nặng của nhà thơ.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định: "Những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã khép lại sau lưng chúng ta mấy chục năm trời, nhưng thi ca thời hậu chiến, trong đó có những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Xuân Việt vẫn luôn nhắc nhở thế hệ hôm nay những hy sinh, gian khổ của lớp người đi trước để chúng ta thấy rằng, mỗi vùng đất, mỗi vùng biển hôm nay đều thấm đẫm máu xương cha ông từ nghìn đời gìn giữ để truyền lại cho cháu con…"
Theo nhận định từ các nhà thơ: Nguyễn Đức Mậu, Trần Anh Thái... ngay tên tác phẩm đã biểu đạt chủ đề này một cách mềm mại và vạm vỡ, sinh động và lắng đọng. Viết về người lính và biên cương, nhưng tập thơ cũng mở ra những góc nhìn đa chiều; ở đó ta sẽ hiểu niềm tự hào, tự tôn dân tộc đến từ đâu; ở đó ta gặp những cảm xúc thân gần mà đầy thiêng liêng, cao quý.
Tập thơ trước hết là tiếng lòng, là những rung cảm của nhà thơ trước non sông đất nước mình. Đó là những thanh âm đẹp đẽ nhất, ngân vang nhất, và cũng sâu nặng nhất, bởi trước hết, nhà thơ Nguyễn Xuân Việt cũng chính là một người lính. Ở góc nhìn này, ông đã đưa đến những thi phẩm như một bản trường ca không dứt về vùng biên, ở đó là điệp trùng những cung bậc của sự gian lao, thầm lặng, hy sinh; là những tình cảm riêng tư được cất giữ trong bối cảnh chung lớn lao càng trở nên đẹp đẽ; là những gì thân thiết, gắn bó, yêu thương…
Tác phẩm như một bản anh hùng ca về cuộc đời người lính, về ý chí tự tôn của những con người tha thiết yêu quê hương, đất nước mình: "Mang trên mình/ Bộ quân phục thân thương/ Hàng dọc, hàng ngang/ Hòa cùng màu xanh biên giới/ Tâm hồn trong như suối/ Cuộc đời. Một trường ca!".
Mỗi bài thơ là một câu chuyện được mang nhiều biểu tượng để người đọc thấy được những đau đáu khôn nguôi của người cầm bút viết nên những gì gan ruột nhất, ăn sâu vào tâm thức nhất. Mỗi trang thơ mở ra trùng trùng những núi đồi, sông nước, đại dương, những bước chân của bao thế hệ, những ước mơ khát vọng lớn lao…
"Thanh âm vùng biên" cũng là những tiếng lòng sâu xa đồng vọng của những người lính một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”: "Chúng tôi đi giữa ngàn trùng/ Đêm âm u không nhìn rõ lối/ Đường hành quân vời vợi/ Trên đầu ngan ngát gió mây".
Cần phải khẳng định thêm rằng, với người cầm bút hôm nay thì người lính và biên cương là một đề tài không dễ viết. Trước họ đã có quá nhiều người cầm bút vang danh với đề tài này. Vậy người cầm bút hôm nay phải đi theo hướng nào? Câu hỏi này có lẽ là không cần thiết bởi mỗi nhà thơ sẽ có một giọng điệu riêng, một thực tế riêng, một phong cách nghệ thuật riêng để biểu đạt câu chuyện của mình.
Với nhà thơ Nguyễn Xuân Việt, ông đi vào những điều dung dị, sâu kín nhưng gần gũi và đầy chất đời: "Chúng tôi hành quân/ Các cô lặng. Ngoái nhìn/ Tay vẫy tay nhau khuất dần sau bóng tối/ …/ Họ là những người lính/ Ra đi từ mảnh đất nghèo/ Bỏ lại đằng sau… khoảng trời trống vắng".
Đó là những câu thơ ông viết trên trên đường hành quân vào giới tuyến Vĩnh Linh năm 1972. Mùa hè đỏ lửa ấy chỉ nhắc đến thôi cũng đủ để chúng ta hình dung đến sự chết chóc, hy sinh. Nhưng những người lính vẫn một dạ ra đi về phía mưa bom bão đạn ấy để lại sau lưng những bâng khuâng, tiếc nuối và cả một khoảng trống mênh mông không thể lấp đầy…
Chính khoảng trời trống vắng mà Nguyễn Xuân Việt nhắc đến đã tạo ra những suy tư ngẫm ngợi cho người đọc. Ở đó bạn đọc sẽ tự lấp đầy bằng những hình dung riêng của mỗi người. Những câu thơ đích thực là những câu thơ đem đến được những hình dung như thế.
Dường như bước chân thi sĩ Nguyễn Xuân Việt đã đi qua mọi ngả đường biên cương của Tổ quốc nên ông đã thu vào tầm mắt, thu vào cảm quan của mình những gì là đặc sắc, tiêu biểu nhất. Người lính chiến đấu và bảo vệ ở mỗi vùng biên cũng hiện lên hết sức ấn tượng trong từng bối cảnh. Có lẽ không có nơi nào mà từng tấc đất từng nhành cây ngọn cỏ cũng đều nhuốm máu đào như ở nơi biên cương nước ta. Mỗi người lính đã cống hiến, hy sinh, chiến đấu, giữ gìn phên giậu quốc gia này theo những cách khác nhau nhưng vẫn chung một tinh thần, một ý chí.
Chúng ta không khỏi ngậm ngùi với câu thơ nhắc đến những địa danh ở nơi địa đầu Tổ quốc: "Mấy chục năm rồi tiếng súng đã lặng im/ Mà Thanh Thủy, Vị Xuyên. Vẫn hằn nguyên ký ức/ Biên giới tháng Hai muôn đời không quên được/ Cuộc chiến này ghi tạc núi sông". (Tháng Hai trở lại Hà Giang). Nguyễn Xuân Việt đã nhắc lại những trang sử đau thương và oanh liệt, đó là những trang sử được viết được tạc bằng thơ để bằng cách này chúng ta sẽ nhớ hơn về những sự thật lịch sử của quê hương đất nước mình.
Thơ ca chính là một cách để khắc họa hiện thực một cách chân thật nhất bởi thơ chính là cảm xúc, và cảm xúc thì luôn xuất phát từ những gì thực tế nhất. Và nơi biên cương phía đông bắc của đất nước cũng đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm để non sông được trọn vẹn như hôm nay: "Biên giới Pò Hèn/ Một thời khói lửa/ Đất biên cương máu loang đỏ núi rừng" (Tượng đài Pò Hèn).
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến biển đảo quê hương, nơi đã thấm mặn máu và mồ hôi của biết bao lớp người nối tiếp nhau đi giữ biển: "Và còn đó/ Người làm đầy Tổ quốc/ Phía Hoàng Sa, Trường Sa/ Trời biển nối liền/ Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma/ Những anh hùng ngã xuống…" (Tổ quốc trong tim).
Khi tên những hòn đảo vang lên cũng là khi tim chúng ta như hẫng đi một nhịp, cụm đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma đã trải qua trận hải chiến đau thương ngày 14/3/1988. 64 chiến sĩ của Việt Nam đã nằm sâu trong lòng biển, nằm sâu trong lòng sóng nước quê hương để làm nên những cột mốc chủ quyền không gì lay chuyển… Thơ Nguyễn Xuân Việt vừa như ngợi ca, vừa như xa xót, nhưng trên hết là sự thẳng thắn, trực diện, và biết ơn.
Bằng thơ ca Nguyễn Xuân Việt đã khắc tạc nên những cột mốc riêng cho những đường biên, những hải phận của Tổ quốc mình. Đó là những câu thơ khiến người đọc phải suy ngẫm rất nhiều.
Cá tính của nhà thơ cũng đã được hiển lộ qua ý tứ mà anh gửi gắm, và sau cùng, quan trọng nhất vẫn là giá trị nhân văn mà thơ ca mang lại. Nhà thơ đã nhấn mạnh vào giá trị này như một sự khẳng định và là điều cốt lõi. Thơ ca như ngọn lửa được nhen lên để sưởi ấm cõi lòng những ai yêu cái đẹp và cái thiện.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ra-mat-tap-tho-ve-bien-cuong-to-quoc-post788060.html