Ra mắt Trung tâm Hòa giải thương mại Sài Gòn
Trung tâm Hòa giải thương mại Sài Gòn được thành lập và hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm đem đến cho khách hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư thêm một giải pháp về giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án một cách nhanh chóng với hiệu quả tối ưu nhất.
Đây là một trong những trung tâm hòa giải đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Tư pháp cấp phép thành lập theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về lĩnh vực hòa giải thương mại.
Phát biểu lại lễ ra mắt sáng 22/8, luật sư Phạm Ngọc Hưng, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại Sài Gòn (SGM) kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cho biết, khi phát sinh tranh chấp sẽ có 4 phương pháp giải quyết gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và giải quyết tranh chấp bằng tòa án.
Tuy nhiên thời gian để giải quyết một vụ tranh chấp thường rất lâu, từ đó SGM ra đời sẽ đem đến một cơ chế hòa giải đa dạng, hiệu quả nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp tối ưu cho các bên liên quan.
Tại SGM, khách hàng sẽ được giải quyết hòa giải nhanh chóng, các cuộc hòa giải tranh chấp được đảm bảo giữ bí mật giữa các bên tham gia và không công bố ra bên ngoài, qua đó sẽ giữ được các mối quan hệ giữa các đối tác với nhau.
Ngoài ra, chi phí hòa giải rất thấp nhưng kết quả hòa giải vẫn được tòa án công nhận và được thi hành án theo quy định của pháp luật. Mức phí hòa giải thấp nhất cho một vụ tranh chấp có trị giá tranh chấp từ 100 triệu đồng trở xuống là 5 triệu đồng (không bao gồm phí đăng ký hòa giải). Biểu phí hòa giải sẽ được tính trên cơ sở trị giá vụ tranh chấp là tổng trị giá của tất cả các yêu cầu của các bên trong vụ tranh chấp.
“Hiện nay trong các doanh nghiệp, việc hòa giải với nhau là rất cần thiết, ví dụ đối với các ngân hàng có thể xem đây là một mô hình hòa giải để có thể giải quyết sớm các vấn đề phát sinh với khách hàng, thay vì kiện tụng và đợi thi hành án tới 2 đến 3 năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và lợi ích của các bên.
Tại SGM, có thể hòa giải các vấn đề về hoạt động thương mại, kể cả các hoạt động ngoại thương. Nếu có tranh chấp với nước ngoài, SGM cũng có đội ngũ hòa giải viên từng công tác tại các nước châu Âu có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh để tiến hành hòa giải và kết quả sẽ có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự", ông Hưng cho biết thêm.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, tranh chấp thương mại như hiện nay, sự ra đời của SGM sẽ góp phần đem đến một cơ chế hòa giải đa dạng và hiệu quả nhất. Qua đó đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời đặt nền móng cho việc xây dựng, phát triển một lĩnh vực hành nghề pháp lý mới ở Việt Nam đó là lĩnh vực hòa giải thương mại.