Ra mắt tuyển tập thơ - truyện ngắn 'Ngọn gió qua vườn' của nữ thi sĩ nổi tiếng Ý Nhi
Là một trong những cây bút xuất sắc của nền thơ Việt Nam đương đại, Ý Nhi đã khẳng định bút lực của mình trong thời hậu chiến và đổi mới. Những bài thơ và truyện ngắn của bà đã được tập hợp trong cuốn sách 'Ngọn gió qua vườn' và vừa được NXB Phụ nữ phát hành tới bạn đọc.
Xuất hiện trong giai đoạn chống Mỹ nhưng chủ yếu khẳng định bút lực của mình trong thời hậu chiến và đổi mới, Ý Nhi là một trong những cây bút xuất sắc của nền thơ Việt Nam đương đại.
Có thể hình dung về thơ bà như một hành trình truy vấn tinh thần mà trong đó, cái tôi nhà thơ, lặng lẽ nhưng quyết liệt và bền bỉ, không ngừng tự ý thức nhằm tìm kiếm cái “bản lai diện mục” của tâm hồn.
Với Ý Nhi, ý thức cá nhân tỉnh táo này vừa là một nhu cầu nội tâm tự nhiên, vừa là một nỗ lực tinh thần nghiêm nhặt. Dĩ nhiên, đi cùng góc phân tích tỉnh táo ấy còn là một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn.
"Chính điều này đã tạo nên chất duy lí độc đáo của thơ Ý Nhi giữa một nền thơ Việt hiện đại (nhất là thơ nữ) vốn nặng chất duy tình, duy cảm. Chất triết lí ấy cũng tạo nên nét riêng của thơ chị: không lạm dụng các mĩ từ kêu vang, nó toát ra từ một cái nhìn nội tâm trầm tĩnh, sâu sắc nhưng đầy khắc khoải của một con người đang trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời mình", nhà phê bình Lê Hồ Quang nhận xét về tinh thần thơ của Ý Nhi, nữ thi sĩ được trao giải thưởng Cikada danh tiếng năm 2015 về những đóng góp bền bỉ của mình trong văn đàn thi ca Việt Nam.
Thế nhưng, sau nhiều năm miệt mài sáng tác với những tập thơ nối tiếp nhau ra đời như Người đàn bà ngồi đan, Ngày thường, Mưa tuyết, Vườn… Ý Nhi bắt đầu dần chuyển hướng quan sát cuộc sống qua văn xuôi. Hay nói một cách dung dị hơn, những gì thơ không chứa nổi, bà vận dụng vào văn xuôi. Cũng chính vì thế mà chất thơ Ý Nhi cứ tự nhiên vận vào câu chuyện, tự nhiên đến mức nhiều khi người đọc có cảm giác như đang đọc thơ dưới hình thức văn xuôi vậy.
“Văn xuôi Ý Nhi thì thực là văn xuôi khi nó vượt thoát thơ về hình thức. Nhưng còn đó cái trầm tĩnh đặc trưng, cái bình thản tính cách, cái kiềm chế cảm xúc để không quá đà lạm dụng” nhà văn Hồ Anh Thái đánh giá.
Văn xuôi Ý Nhi quả là vậy, luôn mang xu thế dẫn truyền cho người đọc những câu chuyện chân thực với một cảm thức sâu lắng, tinh tế đầy ý thơ. Truyện ngắn như là sự tiếp nối từ thơ, những gì thơ không mang chứa thì tràn tiếp sang văn xuôi. Ngôn ngữ truyện cũng vì thế mà có một sức hấp dẫn riêng, hấp dẫn như thơ Ý Nhi, một bảng mầu trầm tinh tế, khiến người ta phải lắng tai nghe, phải đọc.
Và để thẩm thấu trọn vẹn sự song hành nhuần nhuyễn giữa chất thơ duyên dáng và chất văn chương thiền định của Ý Nhi, người đọc cần thưởng thức "Ngọn gió qua vườn" thật chậm rãi để đi hết chiều sâu của câu chuyện, bởi tác phẩm của Ý Nhi không bao giờ là một sản phẩm giải trí đơn thuần dễ dãi, mà đó là nơi mỗi chúng ta cần dừng lại để cảm nhận và trưởng thành.
Nhà thơ Hoàng Thị Ý Nhi sinh tại Hội An - Quảng Nam, và học phổ thông tại Hải Phòng. Năm 1968, bà tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và về công tác tại Viện nghiên cứu Văn học.
Sau đó bà lần lượt chuyển sang làm việc tại các nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng, NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn). Từ 1987, bà chuyển vào làm việc tại chi nhánh phía Nam của NXB Hội Nhà văn và hiện sống cùng gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh.
Những tác phẩm tiêu biểu của bà bao gồm: Nỗi nhớ con đường (NXB Văn học, 1974), Đến với dòng sông (NXB Tác phẩm mới, 1978), Cây trong phố chờ trăng (NXB Hà Nội, 1981), Người đàn bà ngồi đan (NXb Tác phẩm mới, 1985), Ngày thường (NXB Đà Nẵng, 1987)
Đồng thời, trong suốt hơn 40 năm cầm bút, bà đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải khuyến khích cuộc thi thơ do Tuần báo Văn nghệ tổ chức, 1969, Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn VN, 1985, Giải thưởng Thơ Cikada Thụy Điển, 2015.