Ra mắt vở chèo thiếu nhi 'Nắm xôi kỳ diệu'
Nhà hát chèo Hà Nội vừa cho ra mắt khán giả vở diễn có tên gọi 'Nắm xôi kỳ diệu' hay còn gọi là 'Chuyện thằng Bờm' của tác giả Thiên Ân. Đây là một tác phẩm sân khấu độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân gian từ nội dung đến hình thức thể hiện.
Vở chèo "Nắm xôi kỳ diệu" được ra đời nhằm phục vụ đề án "Giới thiệu và biểu diễn các vở chèo được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030", dành cho các e học sinh khối Tiểu học và Trung học cơ sở.
"Nắm xôi kỳ diệu" được tác giả Thiên Ân viết kịch bản, tác giả Mai Văn Sinh chuyển thể chèo, NSƯT Lê Tuấn đạo diễn. Lấy ý tưởng từ bài ca dao nổi tiếng "Thằng Bờm" - một trong số những bài ca dao hay nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tác giả Thiên Ân đã vẽ nên một không gian đầy sinh động thông qua các nhân vật như Thằng Bờm, Gái, Phú Ông, Phú Bà với nhiều trò chơi dân gian vốn quen thuộc với hầu hết trẻ em Bắc Bộ thời xưa. Thông qua câu chuyện, vở diễn muốn nêu cao tình cảm bạn bè, sẵn sàng hi sinh vì người khác, sống khiêm tốn, hòa thuận, yêu lao động và luôn đứng về phía lẽ phải.
Soạn giả Mai Văn Sinh đã chuyển thể từ kịch bản của Thiên Ân sang thể loại chèo đầy khéo léo, khi vẫn thể hiện được rõ ngôn ngữ chèo nhưng vẫn mang được tinh thần trẻ trung, sôi nổi và đặc biệt sự hồn nhiên, trong trẻo của trẻ con trên sân khấu. Một vở diễn với nhiều màu sắc rộn ràng nhưng xen vào đó là những phút giây lắng đọng, những bài học nhẹ nhàng, giản dị về tình người rất phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học và trung học. Đặc biệt, các phần dàn dựng của biên đạo múa Phùng Khải – "phù thủy" dàn dựng các chương trình thiếu nhi trên VTV mang lại màu sắc tươi mới, hồn nhiên và vô cùng đáng yêu cho vở diễn.
Vốn là nghệ sĩ hề chèo có tiếng, đạo diễn – NSƯT Lê Tuấn dễ dàng dàn dựng vở diễn với nhiều tình tiết gây cười vui vẻ, trong sáng, đáng yêu. Sử dụng tiết tấu nhanh, sự biến chuyển linh hoạt trong cách kể chuyện, đạo diễn đã khiến loại hình chèo truyền thống trở nên đầy sức sống, gần gũi với khán giả trẻ em.
Những câu ca dao được xen kẽ với những câu nói rất đời, thậm chí là "trend" của giới trẻ được lồng ghép khéo léo vào nhau xuyên suốt vở diễn, việc diễn viên giao lưu trực tiếp với khán giả thông qua nhân vật đã tạo nên sự tương tác khá náo nhiệt và thú vị cho trẻ em vì chúng được tương tác trực tiếp với các nhân vật trên sân khấu – hình thức này rất lôi cuốn trẻ em, từ đó góp phần tạo ra sức hấp dẫn của vở diễn.
Dàn diễn viên chính tham gia vở diễn đều là những gương mặt xuất sắc của Nhà hát chèo Hà Nội. Bên cạnh sự già dặn và nhuần nhuyễn từ lối diễn biến hóa đến giọng hát ngọt ngào như nghệ sỹ Trúc Mai (vai Gái), NSƯT Thảo Quyên (vai Phú Bà), nghệ sỹ Khắc Huy (Phú Ông)… là sự xuất hiện của những gương mặt trẻ đầy tài năng như Tiến Đạt (vai Nô), Quang Trưởng (vai Thằng Bờm)… Những câu đố, những màn đối đáp, những bài đồng dao và các trò chơi dân gian như Bịt mắt bắt dê, Rồng rắn lên mây… được đạo diễn, NSƯT Lê Tuấn đưa vào rất khéo léo để vừa đảm bảo được tính ước lệ của sân khấu chèo nhưng vẫn rất gần gũi với đời sống, nhằm thuyết phục đối tượng khán giả học sinh.
Có thể nói đây là một trong những vở diễn quan trọng của Nhà hát chèo Hà Nội trong năm 2023, đặc biệt nó nằm trong dự án đưa Chèo đến gần hơn đối với giới trẻ, nhất là các em học sinh từ Tiểu học đến Trung học cơ sở mà Thành phố Hà Nội đang thực hiện trong những năm gần đây, nhằm giúp các em học sinh hiểu hơn về Chèo cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống và góp phần tạo ra một thế hệ khán giả mới cho nghệ thuật hát chèo. Dự án này sẽ triển khai và đưa vào biểu diễn tại các trường học tại Hà Nội bắt đầu từ năm 2024.