Ra mắt VssID phiên bản tiếng Nhật để lan tỏa Bảo hiểm xã hội số
Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành các thủ tục trao đổi, cập nhật thông tin, lộ trình chuẩn bị cho việc đàm phán Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa hai nước.
Nhằm tiếp tục lan tỏa hiệu quả của ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra mắt VssID phiên bản tiếng Nhật giúp người lao động Nhật Bản thuận lợi hơn trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đây là sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Nhật Bản tại Việt Nam do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hôm nay 24/10 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết tính đến tháng 9/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phục vụ hơn 92 triệu người dân tham gia bảo hiểm y tế và 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm gần 40% lực lượng lao động. Riêng khối doanh nghiệp Nhật Bản, hiện có hơn 2.100 doanh nghiệp với số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 547.100 người, trong đó có 545.500 lao động Việt Nam và 1.600 lao động nước ngoài; số thu bảo hiểm xã hội chiếm hơn 13% tổng thu của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch và hậu đại dịch COVID19, các doanh nghiệp FDI trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản đã có nhiều giải pháp để duy trì ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, “giữ chân” người lao động; đóng góp quan trọng vào việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
“Đa số các doanh nghiệp Nhật Bản đều chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Việt Nam, trong đó có chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,” Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Bày tỏ sự vui mừng trước những tiến triển tích cực trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết số lượng công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang tăng lên hằng năm. Năm 2023, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã lên tới khoảng 2.000 công ty thành viên. Đây là Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài lớn nhất trong khối ASEAN và đứng thứ hai trên thế giới.
Ông Yamada Takio cho rằng sự gia tăng các hoạt động đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam đòi hỏi các công ty Nhật Bản cần hiểu và thực hiện tốt các quy định, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động tại công ty mình.
“Hiện nay, với việc sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội sẽ đem tới sự thay đổi của hệ thống bảo hiểm xã hội của Việt Nam trong tương lai, từ đó có tác động rất lớn tới xu hướng đầu tư từ các công ty Nhật Bản,” ông Yamada Takio cho hay.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Nhật Bản, hợp tác giữa bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đối tác Nhật Bản trong lĩnh vực an sinh xã hội, trong đó có việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, hai nước đang tiến hành các thủ tục trao đổi, cập nhật thông tin, lộ trình chuẩn bị cho việc đàm phán Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.
“Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội chắc chắn là một mốc mới trong quan hệ hợp tác về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân hai quốc gia,” Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định.
Cũng tại hội nghị, đại diện cơ quan bảo hiểm xã hội và các doanh nghiệp FDI Nhật Bản đã cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất các vấn đề liên quan góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư hiệu quả, ổn định và bền vững tại Việt Nam và đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động./.