Ra quân điều tra thực trạng KT-XH 53 dân tộc thiểu số
Sáng 1/10, Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc đã tổ chức lễ ra quân thu thập thông tin điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cùng Đoàn giám sát đi thực địa điều tra tại bản Panh, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La.
Đợt điều tra được tiến hành trong vòng 1 tháng từ ngày 1/10 - 30/10/2019. Kết quả thu được từ điều tra này là căn cứ quan trọng để Đảng và Nhà nước có được đánh giá sát thực cho công tác dân tộc, từ đó xây dựng các chính sách, chiến lược về công tác dân tộc trong giai đoạn tới mang tính tổng thể, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Kết quả từ cuộc điều tra này cũng được dùng để biên soạn các chỉ tiêu thống kê và là cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Thực hiện phương án, Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc đã tổ chức nhiều đoàn giám sát Trung ương đến các địa bàn điều tra tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhiều điểm mới
Tại địa bàn tỉnh Sơn La, đoàn giám sát Trung ương do ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm trưởng đoàn đã tham dự lễ ra quân tại xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Phát biểu tại Lễ ra quân, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 có một số điểm mới so với cuộc điều tra năm 2015. Trước tiên là áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của điều tra.
Bên cạnh đó, mẫu điều tra lần này cũng được thiết kế nhằm đảm bảo tính đại diện của các chỉ tiêu thống kê suy rộng đến huyện (cuộc điều tra năm 2015 chỉ suy rộng đến tỉnh). Cuộc điều tra này còn thực hiện kết nối dữ liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Nhấn mạnh, giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là yếu tố quyết định đến sự thành công của cuộc điều tra, do vậy để đạt hiệu quả cao ông Nguyễn Bích Lâm lưu ý địa phương: Triển khai cuộc điều tra đúng tiến độ, đúng quy trình, đúng phương án đảm bảo về chất lượng và thời gian; tổ chức tăng cường giám sát điều tra; phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền; quán triệt điều tra viên phải đến từng hộ thu thập thông tin theo đúng phương án, thời gian quy định, đồng thời hướng dẫn người đại diện cho UBND xã thực hiện cung cấp thông tin trên webform;...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại lễ ra quân ở Tuyên Quang.
Ngay sau Lễ ra quân, đoàn giám sát trung ương đã đi thực địa 2 hộ dân tại bản Panh, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La nhằm rút kinh nghiệm tại chỗ, khắc phục những lỗi sai sót thường gặp trong quá trình thu thập thông tin.
Căn cứ quan trọng để xây dựng chiến lược vùng dân tộc thiểu số
Tại địa bàn Tuyên Quang, Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Lễ ra quân tại xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Cuộc điều tra sẽ đưa ra những số liệu tin cậy giúp Trung ương và các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có căn cứ đánh giá chính xác về kết quả thực hiện chính sách dân tộc đến năm 2020 và xây dựng chiến lược phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.
Đối với Tuyên Quang, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp thực hiện tốt cuộc điều tra; chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.
Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tỉnh, các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai biện pháp nghiệp vụ, áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt phương án điều tra.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cùng các cơ quan chức năng tiến hành điều tra tại một số hộ gia đình thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang, Chiêm Hóa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến mong muốn, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang cũng như ở các địa phương khác sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin góp phần vào sự thành công của cuộc điều tra.
Đẩy mạnh tuyên truyền để dân hiểu và tự giác tham gia
Từ góc độ địa phương ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng, điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng, bởi Sơn La là tỉnh miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Những kết quả thu được từ cuộc điều tra sẽ là căn cứ quan trọng giúp cho Sơn La có thể đánh giá đúng tình hình nhân dân trên địa bàn, từ đó xây dựng được chính sách dân tộc phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng Nguyễn Đình Quang yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp hiệu quả để cuộc điều tra đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai thực hiện cuộc điều tra theo đúng phương án; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc điều tra để mọi người dân hiểu rõ và tự giác tham gia thực hiện cuộc điều tra này…
Được biết, đây là lần thứ hai ngành Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiến hành điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (lần thứ nhất vào năm 2015).
Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 được tổ chức tại trên 14,6 nghìn địa bàn điều tra, trong đó có 1670 địa bàn khu vực thành thị và gần 13 nghìn địa bàn nông thôn, với tổng số hộ được chọn mẫu điều tra là trên 540,7 nghìn hộ điều tra./.