Rà soát các đối tượng nghi ngờ trà trộn vào khách du lịch xâm nhập bẫy thú trái phép rừng Sơn Trà
Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng vừa có văn bản phản hồi Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng sau bài viết 'Nhiều cách xâm nhập, bẫy thú tinh vi trên rừng Sơn Trà'. Đơn vị này cho biết, sau đợt cao điểm Tết Nguyên đán, từ đầu tháng 3-2024 đến nay đã liên tục tuần tra khép kín, kể cả ban đêm để ngăn chặn, xử lý các đối tượng vào rừng Sơn Trà bẫy thú trái phép. Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp rà soát và có biện pháp răn đe đối với những người trong diện nghi ngờ trà trộn, cải trang khách du lịch vào rừng bẫy thú.
Văn bản do Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng Quách Hữu Sơn cho biết, ngay sau khi Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng phản ánh, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã triển khai lực lượng tổng kiểm tra, rà soát các lối lên xuống, các hướng tiếp cận và sâu trong rừng Sơn Trà. Mới đây, từ thông tin do người dân cung cấp, các tổ công tác tiếp tục mở rộng kiểm tra thêm 2 tuyến trong rừng và phát hiện, tháo gỡ 16 chiếc bẫy các loại, chủ yếu là dạng kẹp và dạng dây thòng lọng. Ngoài 30 đợt tuần tra, truy quét tính từ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn- 2024 đến đầu tháng 3-2024, các lực lượng đã phối hợp cùng Đội liên ngành của Q. Sơn Trà tuần tra 29 đợt, nhắc nhở, khuyến cáo hơn 400 lượt du khách không cho khỉ ăn, không được sử dụng lửa trái phép, không được cắm trại qua đêm khu vực rừng Sơn Trà. Cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản 2 vụ, xử lý 1 vụ vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo động vật rừng trái phép. Cùng với đó, đã bắt giữ và tái thả lại rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà 2 cá thể cầy hương, 2 cá thể khỉ vàng, 1 diều núi, 1 cá thể vẹt Úc mắt xanh, tiêu hủy một cá thể voọc chà vá chân nâu bị điện giật chết.
Theo ông Quách Hữu Sơn, dù lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị liên quan đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm nhập, tác động trái phép vào rừng nhưng việc người dân, du khách được tự do đi lại trên các tuyến đường thuộc bán đảo Sơn Trà, nhất là các tuyến đường đi qua khu bảo tồn thiên nhiên gây khó khăn cho công tác quản lý. Đây là điều kiện để các đối tượng lợi dụng trà trộn, cải trang như du khách, sau đó xâm nhập trái phép vào rừng. Ngay sau Tết Nguyên đán, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã triển khai ký cam kết với 5 đầu mối là các tổ chức, các cơ quan, đơn vị hoạt động tại các khu vực gần rừng, trong rừng để phối hợp tham gia bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã. Để đảm bảo công tác quản lý rừng có hiệu quả, ông Sơn cho biết các lực lượng tiếp tục duy trì việc kiểm tra hàng ngày, phối hợp đội kiểm tra liên ngành của quận Sơn Trà và lực lượng dân quân của UBND P. Thọ Quang thực hiện các đợt tuần tra, truy quét quanh bán đảo, kể cả tuần tra đêm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, bắt bẫy động vật.
Đối với hành vi trà trộn giả làm du khách để xâm nhập rừng, ông Sơn cho hay: “Hình thức như thế này khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện, nhưng là một trong những nguyên nhân của việc bắt bẫy động vật trái phép. Chúng tôi sẽ phối hợp lực lượng Biên phòng, Công an phường Thọ Quang rà soát các đối tượng tình nghi để có biện pháp tuyên truyền trực tiếp, tổ chức ký cam kết không vi phạm”.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, ngoài tuần tra, truy quét và xử lý các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Cùng với việc phổ biến quy định pháp luật về lâm nghiệp đến cộng đồng dân cư, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương cũng vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, làm cộng tác viên, tình nguyện viên để trao đổi thông tin, xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà.