Rà soát chính sách phát triển nhân lực chất lượng cao

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ rà soát chính sách tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Tất cả những vấn đề này có liên quan mật thiết đến một trong ba đột phá, đó là phát triển nguồn nhân lực.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6-6.

Cân đối đào tạo “thợ” với “thầy”

Nhấn mạnh, năng suất lao động nước ta chưa có sự bứt phá, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần tập trung nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đầu tư cho nguồn nhân lực...

“Điều này đòi hỏi sự kết nối, liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và triển khai. Trong đó, cần phân bổ các nguồn lực để tập trung đào tạo, đặc biệt doanh nghiệp cần quan tâm nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, năng lượng mới… Đây là những tiềm năng tạo ra công ăn việc làm cho lao động, Việt Nam đi sau nhưng có thể đón đầu, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời tại phiên chất vấn.

Đối với quan điểm, chủ trương đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta cần thực sự tập trung đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để góp phần đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, cân đối hài hòa giữa đào tạo “thợ” với “thầy” trong quy mô đào tạo chung.

Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trước hết cần tập trung tạo chuyển biến nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp để tiếp cận công việc mới, nâng cao thu nhập, liên thông học suốt đời; rà soát, bổ sung toàn bộ các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, thực hiện học văn hóa trong trường nghề; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên miền núi…

6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu kết luận nội dung chất nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: 99 đại biểu đăng ký chất vấn, thể hiện sự quan tâm của đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực này. Trong đó, đã có 46 đại biểu tham gia chất vấn, bao gồm 35 đại biểu đặt câu hỏi và 11 đại biểu tranh luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Thứ nhất, tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chiến lược quy hoạch, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045…

Thứ hai, trong năm 2023, rà soát, thống kê đầy đủ nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm, đổi mới đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu - chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định.

Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Nắm sát, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của nền kinh tế và biến động của thị trường lao động để chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách pháp luật và bảo hiểm xã hội; chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu.

Thứ năm, Tòa án nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm thuận lợi cho người dân. Chủ động phòng ngừa thất nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động, thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số…

Chưa thống nhất nội hàm “trốn đóng bảo hiểm xã hội”

Tranh luận với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc chậm xử lý nợ đóng bảo hiểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Không thể nói không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự một số trường hợp trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho người lao động. Đại biểu đề nghị viện kiểm sát, tòa án, cơ quan điều tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc, xem xét trách nhiệm cơ quan giám sát.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) tranh luận.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ luật Hình sự có quy định, Luật Bảo hiểm xã hội cũng đề cập, thậm chí Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có nghị quyết hướng dẫn, nhưng “vẫn chưa xử lý được”. Lý do là chưa thống nhất nội hàm “trốn đóng bảo hiểm xã hội”. Trốn và chậm chưa phân biệt được, do đó chưa có cơ sở vững chắc để cơ quan chức năng khởi tố.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1066334/ra-soat-chinh-sach-phat-trien-nhan-luc-chat-luong-cao