Luật Thủ đô (sửa đổi): Mở đường tìm người tài

Trọng dụng nhân tài, phát triển nhân lực chất lượng cao sẽ là cơ sở nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong các chính sách lớn trong Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được thông qua. Đây sẽ là căn cứ, cơ sở pháp lý để Hà Nội tận dụng, phát huy tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Người hiền tài phải có kiến thức và kinh nghiệm

Đánh giá chung về Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội bày tỏ việc được thông qua là một bước tiến rất cơ bản, đây sẽ là cơ sở để "gỡ" khó về thể chế cho Thủ đô.

"Trước đó, chính sách Hà Nội không phát triển được bởi động vào cái gì là đụng cái đó. Liên quan đến chuyện tuyển dụng công chức, viên chức, tìm kiếm người tài lại gặp khó về tài chính, các nội dung trong Luật công chức, viên chức", bà An cho hay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia mặc dù đã có hành lang pháp lý nhưng vẫn cần có những tiêu chí cụ thể về "thế nào là hiền tài?".

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội.

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội.

Bà Bùi Thị An đánh giá: "Chuyện học giỏi trong trường chỉ là điều kiện cần còn điều kiện đủ người được chọn phải có kinh nghiệm, trải nghiệm thực tiễn, sự sáng tạo, đổi mới tư duy để phát triển. Chưa kể đến tiêu chí tuyển chọn trong từng lĩnh vực là khác nhau, không thể đánh đồng giữa các ngành, vì vậy vẫn cần nghiên cứu những tiêu chuẩn cụ thể để chọn đúng người tài".

Cùng với đó, mục tiêu cuối cùng là phải tìm ra người xứng đáng, nếu có cơ chế thu hút, trả đãi ngộ cao nhưng lại cho người không tương xứng sẽ lại là một sự lãng phí vô cùng thậm chí gây mất đoàn kết nội bộ.

Đưa ra kiến nghị, PGS.TS Bùi Thị An cho hay: "Phải lấy hiệu quả công việc trên thực tiễn đóng góp cho Thủ đô để trả lương. Nhưng cũng cần tạo ra môi trường làm việc tốt, tôn trọng để người tài được thực hiện ý tưởng và cũng phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học".

Tìm kiếm và trọng dụng người tài

Còn theo TS.Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề trụ cột, mấu chốt, quan trọng, tạo nên sự phát triển của mọi quốc gia.

Để đạt được những mục tiêu đặt ra trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phụ thuộc tất cả vào yếu tố con người, nhất là những người lao động có tài năng, có trình độ.

Do đó, bộ luật lần này đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, quy định 1 điều tương đối cụ thể, mạnh mẽ, có tính đột phá về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

TS.Trần Anh Tuấn cho rẳng cần phát triển nguồn nhân lực ở khối công lập và ngoài công lập.

TS.Trần Anh Tuấn cho rẳng cần phát triển nguồn nhân lực ở khối công lập và ngoài công lập.

Tuy nhiên, TS.Trần Anh Tuấn cũng cho rằng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phải có tính đột phá mạnh mẽ, phải vượt qua thói thường, không bị trói buộc vào tuổi tác, văn bằng, thâm niên công tác, không phân biệt người trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài, không thành kiến, hẹp hòi, đố kỵ và phân biệt đối xử,... Như vậy, Thủ đô Hà Nội mới thu hút được nhiều nhân tài ở các lĩnh vực ngành, nghề về làm việc và cống hiến.

"Nhưng cần lưu ý, muốn thu hút thì phải trọng dụng và có trọng dụng thì mới thu hút được người có tài năng", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, chuyên gia đề xuất để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội cần quan tâm phát triển không chỉ các cơ sở giáo dục, dạy nghề và đào tạo công lập mà cần chú ý và khuyến khích phát triển các tổ chức giáo dục, dạy nghề và đào tạo ngoài công lập.

Cùng với đó, cần mạnh dạn đề nghị Chính phủ và Thủ tướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong cấp văn bằng, chứng chỉ, tích hợp chương trình giảng dạy; cho phép đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức và cơ chế hoạt động, số người làm việc, nguồn tài chính,... trong các cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập.

Đồng thời, cần quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư đối với hoạt động chuyển đổi số và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên.

HĐND Thành phố cần quy định một tỉ lệ % cố định trong "chiếc bánh" ngân sách (trước khi phân bổ) để trả lương, tiền thưởng, nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện thu hút, đãi ngộ, "giữ chân" nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trước băn khoăn làm thế nào để những chính sách thực sự mang lại hiệu quả TS. Trần Anh Tuấn bày tỏ điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự giám sát theo dõi của HĐND, Mặt trận Tổ quốc Thành phố, trách nhiệm thực hiện nghiêm túc của các cấp chính quyền.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao là cơ sở nền tảng phát triển Thủ đô (Ảnh: Hữu Thắng).

Đào tạo nhân lực chất lượng cao là cơ sở nền tảng phát triển Thủ đô (Ảnh: Hữu Thắng).

Đặc biệt, để thực hiện các chính sách này thành công, thì có 2 việc cần chú ý:

Một là, Hà Nội cần nghiên cứu thành lập Quỹ trọng dụng Nhân tài và Quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn tài chính gồm một phần từ Ngân sách thành phố nhưng chủ yếu phải được xã hội hóa, từ sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hai là, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Hà Nội là có vai trò vô cùng quan trọng.

"Bởi lẽ, đó là người được giao chức trách, quyền hạn trong sử dụng, bố trí, phân công và kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Rất có trình độ, có năng lực, có tinh thần làm việc cống hiến nhưng không được bố trí, sử dụng đúng thì giỏi mấy cũng không phát huy được. Và rồi người tài lại "lên đường" ra đi", TS. Trần Anh Tuấn lưu ý.

Tương tự, người đứng đầu ở các tổ chức giáo dục, dạy nghề, đào tạo nếu thiếu trách nhiệm và tâm huyết, không đủ trình độ, năng lực thì dù trên Thành phố có tạo điều kiện đến mấy, hoạt động dạy nghề, đào tạo cũng không thể hoàn thành trọng trách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như kỳ vọng mà Luật Thủ đô đã tạo căn cứ pháp lý để thực hiện.

Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định nhân tài dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, đều được thu hút và trọng dụng để tham gia vào sự phát triển của Thủ đô với các chính sách sau:

Công dân Việt Nam là nhân tài được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và được hưởng các chế độ chính sách do HĐND Thành phố quy định.

Công dân Việt nam là nhân tài được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc Thành phố Hà Nội.

Người nước ngoài có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục và được hưởng các chế độ đãi ngộ do HĐND Thành phố quy định.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/luat-thu-do-sua-doi-coi-troi-tim-nguoi-tai-204240715150735804.htm