Rà soát, điều chỉnh các tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp thực tiễn

Thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia một cách phù hợp để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau 2 năm triển khai thực hiện, bước đầu 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo ra sự đổi mới, đóng góp quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là vùng đồng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc Quốc hội tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia là rất có ý nghĩa, nhận được sự quan tâm rất lớn của đồng bào và cử tri cả nước.

KIẾN NGHỊ XEM XÉT, RÀ SOÁT CÁC TIÊU CHÍ CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Trần Quang Minh, đoàn Quảng Bình đề nghị cần phải xem xét lại các tiêu chí đã ban hành và sớm điều chỉnh nhiều tiêu chí không phù hợp như nước sạch, hỏa táng, nhà văn hóa đối với từng địa phương, đơn vị.

Đồng thời, cần phải xem lại việc phân bổ kinh phí hàng năm luôn chậm những không được khắc phục triệt để ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng triển khai ở địa phương, cơ sở nhất là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.

Đại biểu Trần Quang Minh cho biết, từ nay đến cuối năm 2025 còn hơn 2 năm thực hiện nhưng nhiều tiêu chí quan trọng còn cách xa với chỉ tiêu đặt ra như tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiêu chí về thu nhập, y tế, môi trường, an toàn thực phẩm. Đại biểu nhấn mạnh các tiêu chí quan trọng như sản xuất, thu nhập và giảm nghèo cần được ưu tiên đầu tư chú trọng.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi, đoàn Sơn La phát biểu thảo luận tại hội trường chiều ngày 30/10/2023.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi, đoàn Sơn La phát biểu thảo luận tại hội trường chiều ngày 30/10/2023.

Trong đó, đối với chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị xem lại các nội dung như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết. Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay.

Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đoàn Tây Ninh cho biết 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đan xen với nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc.

Đại biểu đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng chỉ tiêu cần hết sức lưu ý để xác định sao cho phù hợp. Theo đại biểu việc xác định chỉ tiêu là rất quan trọng đối với việc xác định nguồn vốn, dự án và các bước thực hiện tiếp theo.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới, cần xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa, vì có thể nhiều tiêu chí không thể hiện mục tiêu cần đạt, mà lấy phương tiện, cách thức thực hiện làm tiêu chí, dẫn đến dập khuôn, cứng nhắc, kết quả còn hình thức, thiếu thực chất.

Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Hoàng Thị Đôi, tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện các Quyết định 318, Quyết định 319 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có một số tiêu chí phân cấp cho địa phương quy định để phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Theo đại biểu đoàn Sơn La, một số tiêu chí như thu nhập nghèo đa chiều vẫn quy định khá cao, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của các xã khó bắt kịp so với chỉ tiêu của bộ tiêu chí. Một số chỉ tiêu khi áp dụng thực tiễn khó triển khai như chỉ tiêu xã phải có vùng nguyên liệu tập trung để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trên thực tế, nhiều xã vùng III của các tỉnh không có vùng nguyên liệu tập trung, các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản quy mô nhỏ chủ yếu theo mùa vụ…

Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu phù hợp với thực tiễn nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra, đại biểu Đôi nói.

LỒNG GHÉP, TÍCH HỢP, ĐIỀU CHỈNH BỔ SUNG CÁC TIÊU CHÍ CHO PHÙ HỢP

Chia sẻ các quan điểm này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn Bắc Kạn cho biết bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tăng nhiều chỉ tiêu và yêu cầu cao hơn so với bộ tiêu chí giai đoạn trước. Việc duy trì nông thôn mới của các xã đã được công nhận nông thôn mới ở giai đoạn trước khi áp theo bộ tiêu chí ở giai đoạn này khó đạt được.

Nêu dẫn chứng cụ thể, đại biểu cho rằng, một số tiêu chí khó đánh giá ở thời điểm hiện tại như: tỷ lệ người có sức khỏe, tỷ lệ người dân có sổ sức khỏe điện tử và tham gia sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa, do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, có nơi tỷ lệ sử dụng internet, điện thoại thông minh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế như tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 13%, là bài toán thách thức với nhiều địa phương. Đại biểu cho rằng cần sớm sửa đổi bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng gặp khó khăn.

ại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn Bắc Kạn: Cần sớm sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chí nông thôn mới đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

ại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn Bắc Kạn: Cần sớm sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chí nông thôn mới đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Ngân cũng đề xuất cần ban hành bộ tiêu chí mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt và dài hơi hơn, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những chỉ tiêu, tiêu chí không còn phù hợp với thực tiễn thì chỉ cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo cũng như dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hoàng Quốc Khánh, đoàn Lai Châu nhấn mạnh, giám sát đã chỉ ra công tác giảm nghèo chưa thật sự đạt mục tiêu đa chiều, bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao, một số địa phương khó khăn đã được công nhận nông thôn mới vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong thu hồi quyết định công nhận nông thôn mới với các địa phương được công nhận từ giai đoạn trước nhưng hụt tiêu chí, nợ tiêu chí, không đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện nay.

Từ thực tế giám sát, khảo sát, đánh giá thực trạng kết quả triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ở một số địa phương và kiến nghị ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Phạm Đình Thanh, tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm quan tâm chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 3 Chương trình hiện nay.

Đại biểu chỉ rõ, một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các Chương trình có sự trùng lặp với mục tiêu, nội dung đối tượng thụ hưởng đã gây lúng túng trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn của các chương trình.

Chia sẻ việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, trong đó, câu chuyện lồng ghép, đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đoàn Bạc Liêu cho rằng cần phải nhìn nhận lại câu chuyện về lồng ghép nguồn vốn cho phù hợp và toàn diện hơn. Trong đó, cần phải quan niệm rằng, vốn của chương trình chỉ là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt có mục tiêu tập trung vào những vấn đề có trọng tâm trọng điểm đang bức xúc cần thiết nhất. Do vậy, cần có khâu xây dựng kế hoạch, thiết kế chương trình phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, sự tham gia của người dân.

Đỗ Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ra-soat-dieu-chinh-cac-tieu-chi-cua-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phu-hop-thuc-tien.htm