Rà soát dự án Luật Nhà giáo đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan

Góp ý hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, tuy nhiên đề nghị cần rà soát để bổ sung các quy định cụ thể đối với nhà giáo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo với các luật liên quan.

Dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới, có bố cục gồm 9 chương, 45 điều.

Tham gia góp ý về dự án Luật Nhà giáo, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đảm bảo cả về chất lượng và số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đồng tình với việc ban hành luật chuyên ngành đối với nhà giáo, đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh chế độ, chính sách đối với nhà giáo cũng như tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Đặc biệt, đảm bảo sự nhất quán về quan điểm, chủ trương của Đảng là “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Về bố cục và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, để đảm bảo đồng bộ, tương thích, tránh chồng chéo với hệ thống pháp luật liên quan như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Bộ luật Lao động, Luật Viên chức…, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định cụ thể, đặc thù đối với nhà giáo, đặc biệt là hệ thống chính sách đối với nhà giáo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân; mối quan hệ giữa nhà giáo với các tổ chức, cơ quan, cá nhân trong xã hội.

Dự thảo Luật hiện gồm 9 chương, 45 điều và có rất nhiều điều giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát.

Băn khoăn việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của một số luật liên quan, đại biểu Cầm Thị Mẫn quan tâm nhất đến việc sửa đổi, bổ sung Chương IV của Luật Giáo dục, tức là chương về nhà giáo, trong đó có 10 điều trong Luật Giáo dục cần sửa đổi, bổ sung.

“Nếu đồng thời đưa 10 điều này của Luật Giáo dục vào Luật Nhà giáo thì liệu nên bỏ Chương IV của Luật Giáo dục hay vẫn giữ nguyên, đồng thời sửa đổi luôn Luật Giáo dục? Tôi đề nghị Ban soạn tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp. Bởi đây là một chương rất lớn trong Luật Giáo dục. Nếu quy định điều chỉnh, bổ sung trong Luật Nhà giáo thì Luật Giáo dục sẽ được quy định như thế nào?”, đại biểu Cầm Thị Mẫn nêu băn khoăn.

Vì vậy, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định này cho phù hợp, nếu không thì dễ mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật này với Luật Giáo dục.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đánh giá cao dự thảo Luật và sự cầu thị của Ban soạn thảo đã cập nhật nhanh, kịp thời, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo để khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo để bảo vệ, tôn vinh, có những chính sách đãi ngộ, cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo môi trường làm việc an toàn, thuận lợi cho các nhà giáo. Nhấn mạnh đây là những ưu điểm đáng ghi nhận, đại biểu Võ Thị Minh Sinh tin rằng, nếu Quốc hội thông qua được Luật này thì sẽ hứa hẹn những thay đổi rất tích cực cho đội ngũ giáo viên và hệ thống giáo dục cả nước.

Tuy nhiên, góp ý hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần bao quát toàn diện về khái nhiệm, phạm vi đối tượng áp dụng đối với nhà giáo ngoài công lập vì đây là đối tượng có xu hướng phát triển hình thức đào tạo này. Gắn với đó, cần có hệ thống quản lý và áp dụng chính sách cho đối tượng này nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhà giáo nói riêng và bảo đảm định hướng của Nhà nước trong quản lý hệ thống giáo dục nói chung.

Đồng thời đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần tiếp tục rà soát tính đồng bộ với các luật khác có liên quan như Luật Công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động… để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Liên quan đến việc đảm bảo tính hệ thống, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, cần quan tâm thể chế hóa đầy đủ các nội dung về đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hội nhập với quốc tế.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật cần có quy định chuẩn chung, gắn cả nhà giáo khu vực công lập và nhà giáo khu vực ngoài công lập để không gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; thẩm quyền xem xét tuyển dụng giáo viên cần được xem xét đưa vào Luật lần này. Đây là nội dung rất khó, cần kịp thời cân đối để tuyển dụng giáo viên.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng quan điểm với các ý kiến nêu trên, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá đây là dự thảo Luật thể hiện nỗ lực rất cao của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đại biểu hy vọng, việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ đáp ứng được mong đợi của nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ giáo viên.

Cùng băn khoăn với các ý kiến đã nêu về nội dung trùng lặp của Chương IV Luật Giáo dục với dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, chỉ nên sửa đổi Chương IV của Luật Giáo dục vì Luật Giáo dục đã có những quy định rất rõ và ưu việt về tôn vinh đối với nhà giáo, trong khi dự thảo Luật Nhà giáo hiện chưa quy định.

“Theo dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo ở đây chỉ thực hiện giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, vậy khi kết thúc không giảng dạy nữa thì họ còn được gọi là nhà giáo hay không? Tôi cho rằng, chức danh nghề nghiệp này cần phải gắn cả đời với người đã làm nghề nhà giáo”, đại biểu Trương Thị Ngọc Anh chia sẻ quan điểm.

Vì vậy, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn dự thảo Luật Nhà giáo cần quy định rõ về tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp, chính sách ưu đãi đối với nghề nhà giáo để thấy được sự tôn vinh của xã hội đối với nghề nhà giáo. Do đó, cần rà soát kỹ lưỡng và bổ sung nhiều nội dung nhưng phải đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo với các luật liên quan./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=90006