Rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua

Sáng 15/2, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát Cơ động (CSCĐ).

Công tác tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát Cơ động phát huy hiệu quả bảo đảm an ninh trật tự

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CSCĐ, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) nhấn mạnh, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điểm đ khoản 2, Điều 9 dự thảo luật Chính phủ trình về nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát vì đây không phải là nhiệm vụ thường xuyên, không mang tính đặc thù của CSCĐ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại phiên họp.

Tuy nhiên, Thường trực UBQPAN cho rằng, quy định nhiệm vụ "tuần tra, kiểm soát" là kế thừa khoản 3, Điều 7 của Pháp lệnh CSCĐ, hiện nay đang thực hiện theo Thông tư số 58 ngày 3/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT của CSCĐ.

"Thời gian qua, công tác này đã phát huy hiệu quả trong bảo đảm ANTT tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ lại nhiệm vụ này và chỉnh lý như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cho bổ sung Điều 12 về hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT của CSCĐ trên cơ sở luật hóa một số quy định tại Thông tư số 58", Chủ nhiệm UBQPAN lý giải.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định "huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương" tại khoản 3, Điều 9 vì không phải là nhiệm vụ chính của CSCĐ, không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho rằng, Luật Phòng, chống khủng bố giao Bộ Công an chủ trì "tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống khủng bố". Bộ trưởng Bộ Công an đã giao CSCĐ trực tiếp tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chống khủng bố cho các cơ quan, đơn vị ngoài ngành Công an tham gia phòng, chống khủng bố và nhiệm vụ này đã thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để chặt chẽ, rõ ràng hơn, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý khoản 3 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng CSCĐ chỉ tham gia huấn luyện các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận tại phiên họp.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc khoản 3, Điều 10 dự thảo luật Chính phủ trình về quyền hạn của CSCĐ vì chưa phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định số 36 ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; đồng thời chồng lấn với nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Thường trực UBQPAN báo cáo như sau: Theo pháp luật hiện hành, Bộ Quốc phòng được giao thống nhất quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Tuy nhiên, chưa có quy định về các hành vi vi phạm và các biện pháp xử lý đối với loại phương tiện này nếu xâm phạm các vùng cấm bay, vùng hạn chế bay. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng không quy định về việc nổ súng vào loại phương tiện này.

"Trong khi đó, CSCĐ được giao nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng theo quy định của Chính phủ. Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho CSCĐ chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công xâm phạm các mục tiêu do CSCĐ được giao bảo vệ, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa loại phương tiện bay này là phù hợp", Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phân tích.

Cảnh sát Cơ động cần có sự hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn về khoản 2, Điều 30 dự thảo luật, việc quy định hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của CSCĐ có phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và đề nghị thay thế bằng quy định, Nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động của CSCĐ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị làm rõ nội dung này, bởi NSNN phải đảm bảo đủ để CSCĐ hoạt động, không nên có sự hỗ trợ của địa phương...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thảo luận tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thảo luận tại phiên họp.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, sự hỗ trợ của các địa phương đối với CSCĐ là không sai với Luật NSNN. Điều 8, Điều 9 Luật NSNN có quy định, ngân sách cấp dưới được chi hỗ trợ cho các đơn vị cấp trên trong tình huống cấp bách do thiên tai, dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. "Tôi ủng hộ phương án này vì lực lượng CSCĐ trong tình hình hiện nay cần có sự hỗ trợ nhất định khi thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương. Ghi trong luật như vậy là phù hợp", Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, khẳng định, trong luật có cơ chế để các địa phương hỗ trợ cho các lực lượng đặc biệt như CSCĐ. Thực tế, đây cũng là nhiệm vụ chính trị của các địa phương, nếu không đưa vào luật thì các địa phương sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.

"Theo tôi, sự hỗ trợ của ngân sách địa phương cho các lực lượng vũ trang nói chung và CSCĐ nói riêng là hết sức cần thiết. Khi xảy ra những tình huống bất ngờ, đột xuất, việc huy động lực lượng vũ trang rất quan trọng, lúc đó ngân sách Trung ương không thể chi kịp thời, trong khi việc thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa là trách nhiệm của Trung ương, vừa là trách nhiệm của địa phương. Cần có cơ chế đó để các địa phương hỗ trợ các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình giải trình, tiếp thu của UBQPAN phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan; các ý kiến góp ý sâu sắc của UBTVQH tại phiên họp hôm nay, đồng thời đề nghị UBQPAN và Bộ Công an tiếp tục giúp Chính phủ, UBTVQH nghiên cứu, tiếp thu tối đa các nội dung này.

Về phương án hoàn thiện, cơ bản hiện nay không có vấn đề lớn, khác nhau nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tinh thần chung dự thảo luật cần bám sát Nghị quyết 40 năm 2004 của Bộ Chính trị. Theo đó, cần nhấn mạnh vai trò của lực lượng CSCĐ đặc biệt hơn so với các lực lượng khác, trong phòng chống bạo loạn, khủng bố, bố trí trang bị phù hợp, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất, tính cơ động cao, tinh nhuệ, ứng phó tại các "điểm nóng", địa bàn trọng điểm...

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan trong hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ. Về ngân sách, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Luật NSNN nghiêm cấm cấp này chi cho cấp kia, nhưng lại cho phép ngân sách địa phương được chi hỗ trợ cho các đơn vị Trung ương trên địa bàn, như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và các lực lượng khác khi có đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, bảo đảm ANTT, phòng, chống thiên tai...

"Ví dụ, Bộ đội huy động hàng tiểu đoàn dầm mưa gặt lúa cho dân chạy lũ, đó không phải là nhiệm vụ chính của họ, kinh phí Quốc phòng không chi cho việc này, nên địa phương phải hỗ trợ. Không chỉ ngành Công an mà nhiều ngành dọc khác nữa", Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng và đánh giá chất lượng dự thảo luật đảm bảo tốt, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp Cơ quan thẩm tra tập trung rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua theo quy trình.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ra-soat-hoan-thien-du-thao-luat-canh-sat-co-dong-chuan-bi-trinh-quoc-hoi-thong-qua-i644064/