Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật lĩnh vực văn hóa
Thực hiện Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về các nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa tại Hội thảo Văn hóa 2022, Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, chiều tối ngày 14.2, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức cuộc họp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc rà soát, chuẩn bị, triển khai thực hiện nhiệm vụ lập pháp năm 2023 và nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV thuộc lĩnh vực văn hóa.
Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng chủ trì cuộc họp.
Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 6 luật. 3 luật đã hoàn thành năm 2022; 3 luật đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, rà soát, trong đó 2/3 luật dự kiến sẽ sửa đổi (Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo), 1 luật chưa đưa vào chương trình, đề nghị tiếp tục nghiên cứu (Luật Nghệ thuật biểu diễn).
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, lĩnh vực văn hóa được điều chỉnh trực tiếp bởi 5 Luật (Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện), 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch.
Một số lĩnh vực hiện chưa có luật mà chỉ được điều chỉnh bằng Nghị định như nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; văn hóa quần chúng, văn hóa dân tộc và tuyên truyền cổ động; văn học chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp. Một số lĩnh vực cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật như Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo và các luật khác có liên quan. Thực tế này ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, năm 2023, 2024 sẽ tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, 25 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Vì thế, có thể phải tiếp tục thể chế hóa một số chủ trương, chính sách về văn hóa.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa là cụ thể hóa chủ trương của Đảng về văn hóa, Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo Văn hóa 2022, thành pháp luật, trong đó trọng tâm là thúc đẩy việc chuyển các giá trị văn hóa thành giá trị phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thể chế hóa chủ trương chuyển đổi số trong quản lý, vận hành, khai thác các sản phẩm cơ bản trong lĩnh vực văn hóa; khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh.
Sau cuộc họp này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng báo cáo trình lãnh đạo Quốc hội về hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa hiện nay cũng như đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, cần làm rõ bức tranh về hệ thống pháp luật lĩnh vực văn hóa, trong đó đánh giá được thực trạng, mức độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước và hội nhập; công tác thi hành pháp luật; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung một cách cụ thể và khả thi.