Rà soát kỹ lưỡng các quy định về thu nhập được miễn thuế
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến thu nhập được miễn thuế, chỉ đề xuất bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với các trường hợp thực sự cần thiết...
Tiếp tục Phiên họp thứ 37, ngày 23/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Bổ sung thêm một số khoản thu nhập được miễn thuế
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết: Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 4 chương, 20 điều, bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý.
Về người nộp thuế, dự thảo Luật quy định chi tiết về các đối tượng người nộp thuế là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật.
Đồng thời, bổ sung thêm một số khoản thu nhập được miễn thuế gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành; khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập; khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật; thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công...
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về quy định liên quan đến thu nhập phải nộp thuế, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc tính phù hợp của quy định về người nộp thuế, quy định về thu nhập chịu thuế.
Đối với việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên nền tảng số, dự thảo Luật không quy định cụ thể và giao Chính phủ quy định. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ về định hướng quản lý thu thuế đối với các đối tượng này.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến thu nhập được miễn thuế, chỉ đề xuất bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với các trường hợp thực sự cần thiết, quy định chặt chẽ để tránh các trường hợp lợi dụng quy định để kê khai làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp…
Đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao hồ sơ và Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần nghiên cứu, phương pháp sửa đổi, thẩm tra một số thuế, trong đó có dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để có cách tiếp cận chung về thuế, đảm bảo việc sửa đổi thuế đáp ứng được theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các vấn đề, chính sách được miễn trừ thuế.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong Luật hiện hành đang vướng mắc ở những điều gì thì nên sửa ngay cái đó. Những điều nào “đã chín, đã rõ” thì sửa, cái gì chưa rõ thì phải tiếp tục nghiên cứu, và khi sửa đổi những điều mới thì phải tốt hơn những cái cũ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu cuối cùng của Luật là bảo đảm nguồn thu ngân sách ổn định, nâng cao tỷ lệ động viên thu nội địa, khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế, hạn chế các hành vi làm xói mòn cơ sở thuế; bảo đảm công bằng hệ thống thuế Việt Nam phù hợp với yêu cầu thực tiễn xu thế và thông lệ quốc tế...
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) của Chính phủ và nội dung Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu lập pháp bố trí thời gian, tổ chức việc nghiên cứu có thể thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học để đề xuất cách thức, phương pháp tiếp cận mới trong việc sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện các luật trong lĩnh vực thuế, phí và các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nói chung; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước...