Rà soát, nghiên cứu kỹ việc xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã rất linh hoạt, sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng bối cảnh đó cũng làm bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng, triển khai, huy động nguồn lực.
Các thủ tục để xác lập sở hữu toàn dân còn chưa đầy đủ, gây khó khăn trong công tác hạch toán
Ngày 11/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Đoàn giám sát của Quốc hội về ‘’Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng’’.
Làm rõ một số nội dung liên quan về tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết: Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi tới Đoàn giám sát với nhiều phụ lục về tổng mức huy động ngân sách Nhà nước, huy động từ các nguồn khác gồm viện trợ, quỹ vắc xin, quỹ của trung ương cũng như của các địa phương. Trong đó cũng đã làm rõ lượng chi cho chống dịch, vắc xin, chi cho từng địa phương. Tuy nhiên, hạch toán huy động nguồn lực tổng thể thì còn chưa đầy đủ, đặc biệt là những hỗ trợ từ các cộng đồng xã hội, người dân… Các giấy tờ, thủ tục để xác lập sở hữu toàn dân còn chưa đầy đủ, gây khó khăn trong công tác hạch toán.
Về Quỹ Vắc-xin, báo cáo của Bộ Tài chính đã làm rõ số liệu về con số tổng thể, số đã sử dụng, số còn lại. Liên quan đến các vướng mắc, việc xác lập sở hữu toàn dân, đa phần tài sản chưa được xác lập là do thiếu các giấy tờ chứng minh, chưa xác định giá. Tuy Chính phủ đã có hướng dẫn cụ thể, nhưng trong thời gian đó, có nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp đóng góp nhưng trong điều kiện cấp bách không hoàn thiện hết các giấy tờ cần thiết. Bộ Tài chính đã tham gia với Đoàn giám sát, phối hợp cùng Bộ Y tế để tiếp tục tham mưu với các cơ quan liên quan để xử lý, tháo gỡ vấn đề này.
Đối với những vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm vật tư y tế ở các bệnh viện, cơ sở y tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã sửa thông tư về mua sắm chi thường xuyên để tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề này.
Về vấn đề hướng dẫn thanh, quyết toán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, đây là khâu cuối cùng trong quy trình, khi đã đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định thì mới có thể xử lý. Hiện nay công tác này đang vướng mắc trong tổ chức, thực hiện khi hồ sơ, giấy tờ không đảm bảo đầy đủ, nên cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để khắc phục.
Nghiên cứu kỹ việc xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh
Giải trình một số nội dung tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Là cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ về lĩnh vực y tế, Bộ Y tế nhận thấy nhiều nội dung liên đến công tác chống dịch COVID-19; xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng được Quốc hội quan tâm xem xét, đây là cơ hội cho ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị nêu rõ và sâu hơn bối cảnh khó khăn chưa có tiền lệ của đại dịch COVID-19 để làm rõ những giải pháp đưa ra trong tình hình cấp bách, khi đất nước còn hạn chế trong nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã rất linh hoạt, sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng bối cảnh đó cũng làm bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng, triển khai, huy động nguồn lực.
Cụ thể, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt trong lúc nguồn lực còn hạn chế, việc tiếp cận nguồn vắc xin quốc tế ban đầu còn khó khăn. Việc tập trung được nguồn lực cho công tác chống dịch trong thời gian qua là nỗ lực, cố gắng vượt bậc, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, điều này cần được làm rõ khi đánh giá, tổng kết việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong thời gian qua.
Đặc biệt, Quốc hội đã chủ động ban hành những quyết sách quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết 30 đã tạo điều kiện cho việc huy động nhân lực, nguồn lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, do đây là tình huống khó khăn chưa từng có tiền lệ, nên không tránh khỏi trong tổ chức thực hiện có những thiếu sót, hạn chế. Bộ trưởng cho rằng cần có đánh giá tổng thể lại những vấn đề còn vướng mắc trong quy định pháp luật, trong tổ chức thực hiện để có giải pháp cụ thể, khả thi để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, khắc phục được những tồn tại đã hiển hiện trong thời gian qua.
Bộ trưởng nhận định, với một dịch bệnh có sự lây lan mạnh mẽ như vậy, nền y tế tiên tiến hàng đầu thế giới cũng có thể gặp khó khăn. Chúng ta cần rút ra các kinh nghiệm cụ thể để ứng phó tốt hơn, hợp lý hơn trong những tình huống tương tự xảy ra. Bộ trưởng cũng đề nghị Đoàn giám sát khoanh vùng lại các đề xuất để đảm bảo đúng nội dung trọng tâm, đúng phạm vi giám sát để có cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả.
Về xây dựng các kịch bản ứng phó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết cần rà soát, nghiên cứu kỹ, vì đây là nội dung vô cùng khó, biện pháp khả thi và thực tiễn là nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật trong ứng phó thiên tai, dịch bệnh, để những quy định đó khả thi, thiết thực, đảm bảo phát huy tác dụng trong áp dụng thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan hữu quan có sự quan tâm để phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng tại các địa phương, đảm bảo ứng phó tốt với tình hình dịch bệnh có thể xảy ra.