Rà soát quy định phòng cháy chữa cháy, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở kinh doanh karaoke
Công an thành phố Hà Nội đang đánh giá thực trạng công tác phòng cháy chữa cháy nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác phòng cháy chữa cháy của các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chủ quán karaoke ở Hà Nội đồng loạt kêu cứu vì nguy cơ phá sản
Gần đây, hàng trăm chủ đầu tư quán karaoke tại Hà Nội đã cùng ký đơn kêu cứu khi đứng trước bờ vực phá sản vì phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy.
Theo các chủ cơ sở karaoke này, mỗi phòng hát tại Hà Nội được đầu tư trung bình cho trang trí, âm thanh khoảng 300 - 500 triệu đồng. Với hàng nghìn phòng hát trên toàn địa bàn thành phố, tổng chi phí đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể tiền thuê mặt bằng, tiền bồi hoàn sửa chữa lại hiện trạng thuê ban đầu, tiền bồi thường hợp đồng, cung ứng sản phẩm... Hơn nữa, các cơ sở kinh doanh karaoke vừa được hoạt động lại sau dịch COVID-19 chưa lâu, gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều chủ cơ sở karaoke khẳng định, phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke đều hoạt động với mong muốn đúng với quy định của pháp luật nhất có thể. Điều đó thể hiện qua việc từ năm 2017, các đoàn kiểm tra luôn thực hiện kiểm tra định kỳ với các hộ đang hoạt động kinh doanh karaoke và vẫn kết luận là đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy theo quy định. Tuy nhiên, sau một số vụ cháy xảy ra tại quán karaoke trên địa bàn cả nước, bất ngờ những cơ sở đủ quy định hoạt động trước đó lại được bị kết luận không đủ điều kiện hoạt động.
Các chủ cơ sở karaoke đều nêu quan điểm không thể để "con sâu làm rầu nồi canh", không thể đánh đồng những cơ sở đó với hàng nghìn quán karaoke đang cố gắng hoạt động đúng quy định của pháp luật, dẫn đến nguy cơ phá sản của ngành dịch vụ này.
Bên cạnh đó, quy định về phòng cháy chữa cháy thay đổi thường xuyên khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện, đặc biệt, một số quy định khó áp dụng vào thực tế.
Các doanh nghiệp đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn sửa chữa, khắc phục về phòng cháy chữa cháy để phù hợp quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp cũng cho rằng cần quy định vừa đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nhưng cũng đảm bảo tính khả thi, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở kinh doanh karaoke.
Công an thành phố Hà Nội sẽ khắc phục những tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy
Tại Hội nghị đánh giá thực trạng công tác phòng cháy chữa cháy và bàn về các giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác phòng cháy chữa cháy của các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở karaoke.
Đại tá Dương Đức Hải đề nghị: "Các đơn vị tích cực lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp; rà soát, đánh giá thực trạng, đề xuất cấp có thẩm quyền về những giải pháp cụ thể để các doanh nghiệp có thể tháo gỡ, khắc phục được những tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy, đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục để được đưa công trình vào hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất".
Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện tại trên địa bàn thành phố có 1.548 cơ sở kinh doanh karaoke lớn nhỏ, trong đó hơn 400 cơ sở nhỏ lẻ tự phát, không có đăng ký kinh doanh… những trường hợp này chắc chắn phải tự giải thể. Bên cạnh đó có 1.000 cơ sở, trong đó 600 cơ sở chưa được cấp phép đầy đủ giấy tờ liên quan về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, văn hóa… cũng phải củng cố, hoàn thiện.
“Còn khoảng 400 cơ sở được cấp phép đầy đủ giấy tờ mà vẫn bị tạm đình chỉ hoạt động vì lý do như có thể cơ sở đã được thẩm duyệt, lúc nghiệm thu hiện trạng chưa trang trí bổ sung các tiêu chí của quán karaoke, khi kiểm tra vi phạm một số lỗi như đường hành lang, cầu thang bộ đóng kín lại mở cửa, vật liệu trên hành lang thoát nạn là vật liệu dễ cháy, phòng hát bố trí này kia, diện tích phòng hát bị co hẹp… Tất cả những điều này cơ sở buộc phải khắc phục”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, đơn vị này đã phân cho công an 30 quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phải giải thích cho hộ dân, hộ kinh doanh, không để người dân bức xúc. Song song với đó, đơn vị này liên tục trong thời gian qua tổ chức các hội thảo đưa ra kiến nghị, đề xuất để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Bộ Xây dựng nhằm tháo gỡ tình trạng trên.
Ông phân tích: “Việc này phải làm trên cơ sở chỉnh sửa đúng pháp luật, sửa như thế nào để đúng quy định thì chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn cho các hộ kinh doanh. Còn Hà Nội phải khẳng định rằng doanh nghiệp kinh doanh karaoke sẽ được cấp phép mới trong thời gian tới, các địa điểm mới mở nếu đảm bảo sẽ đều được cấp. Trong tháng 12/2022, chúng tôi đã kiến nghị đề xuất với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố đã chỉ đạo ngành văn hóa hoàn thiện để trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP về karaoke. Đây cũng là cách tháo gỡ cho doanh nghiệp."
Đại tá Phạm Trung Hiếu cũng nhấn mạnh, việc kiểm tra, rà soát lại những cơ sở không có khả năng khắc phục để buộc cơ sở đó phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc đi địa điểm khác. Còn khi cơ sở kinh doanh karaoke quay lại hoạt động thì chủ doanh nghiệp phải cam kết hoạt động đúng giờ, đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy.
Nguồn: tổng hợp