Rà soát, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều 17/4, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với UBND huyện Sơn Động về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, UBND huyện Sơn Động và các phòng, cơ quan chuyên môn của huyện.
Năm 2022, huyện Sơn Động được phân bổ hơn 83,6 tỷ đồng để triển khai 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong 2 năm (2021 và 2022), địa phương được giao hơn 107 tỷ đồng triển khai 7 dự án.
Về kế hoạch thực hiện năm 2023, huyện được phân bổ hơn 265 tỷ đồng thực hiện cả hai chương trình. Đến nay, địa phương đã phân bổ nguồn vốn chi tiết đối với 5 dự án về phát triển giáo dục đào tạo nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và dự án 4 đầu tư hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống, sản xuất trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Riêng với Chương trình giảm nghèo bền vững, UBND huyện đang chuẩn bị phân bổ vốn.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND huyện Sơn Động nêu, quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiều dự án trên địa bàn huyện bị vướng mắc dẫn đến không phê duyệt được, gây ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn và tiến độ thi công. Việc hỗ trợ bảo tồn làng, bản văn hóa tiêu biểu quy định trình tự phức tạp và không thuộc thẩm quyền của huyện.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, kinh phí chuyển tiếp một số dự án từ các năm trước sang thực hiện năm 2023 không thực hiện được do địa phương chưa nhận được văn bản hướng dẫn thực hiện quay vòng vốn của cấp tỉnh. Cùng đó theo nội dung hướng dẫn, cộng đồng, nhóm tổ đại diện sẽ là người trực tiếp mua sắm trang thiết bị, vật tư, con giống cho thành viên tổ cộng đồng của mình khi được phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên cộng đồng dân cư không có con dấu, không đủ tư cách pháp lý để tự đứng ra thực hiện các quy trình, bước đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư, con giống.
Để thực hiện hiệu quả các chương trình, huyện đề nghị Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể cách thức xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo cộng đồng.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan ban hành văn bản hướng dẫn quy định tỷ lệ quay vòng, trình tự luân chuyển, quy trình theo dõi, giám sát của cơ quan, đơn vị được giao vốn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và một số nội dung khác.
Tăng mức hỗ trợ tiền ăn/ngày/học viên cho các học viên tham gia các lớp đào tạo nghề nông thôn; hướng dẫn mức hỗ trợ đối với hộ có mức sống từ trung bình trở lên khi tham gia dự án mô hình phát triển sản xuất…
Trao đổi tại hội nghị, đại diện Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Ban đang tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn liên ngành về thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi và dự kiến sẽ ban hành vào cuối tháng 4/2023. Khi đó sẽ có hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với từng dự án, các vướng mắc, khó khăn sẽ được tháo gỡ. Đối với dự án phát triển cây dược liệu, Ban Dân tộc đang phối hợp với các ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ, nhất là việc mời gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết.
Liên quan đến giá chi tiết đối với cây, con giống triển khai dự án, đại diện Sở Tài chính cho biết, khi phê duyệt dự án không cần phê duyệt giá chi tiết; trong trường hợp có yêu cầu địa phương có thể lấy theo báo giá của các đơn vị cung ứng cây, con giống thực hiện dự án. Đối với việc mua sắm hàng hóa, vật tư thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ các bước tham gia của cộng đồng. Theo đó, các tổ cộng đồng chỉ cần thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu mà không cần phải đấu thầu.
Đối với kiến nghị miễn xác nhận bản đồ địa hình đối với những công trình nhỏ lẻ hoặc công trình sử dụng đất diện tích dưới 2 ha, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, với những công trình này, chủ đầu tư lập phương án thi công, khi xong Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận. Để tạo thuận lợi, Sở đang tập hợp ý kiến để đề nghị UBND tỉnh ủy quyền cho cấp huyện chủ động triển khai xác nhận.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Mai Sơn ghi nhận những nỗ lực, chủ động triển khai các chương trình MTQG của các ngành, địa phương.
Đồng chí đề nghị, trong tuần này, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các sở, ngành được giao chủ trì thực hiện các dự án chủ động rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành T.Ư hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các chương trình.
Với các vướng mắc thuộc phạm vi giải quyết của tỉnh, các ngành chủ động tổng hợp, tham mưu, bổ sung vào hướng dẫn liên ngành trình UBND tỉnh để sớm có giải pháp tháo gỡ. Về triển khai các dự án trên địa bàn huyện Sơn Động, đồng chí đề nghị các sở, ngành phối hợp với UBND huyện rà soát tất cả dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh các dự án, tiểu dự án và nguồn vốn cho phù hợp. Có văn bản trao đổi, thông tin lại với huyện Sơn Động về hướng giải quyết các vướng mắc đã trao đổi tại hội nghị, làm cơ sở để triển khai.
Với trách nhiệm được giao, UBND huyện Sơn Động xây dựng kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể đối với các cá nhân phụ trách dự án, hằng tuần đánh giá kết quả triển khai để kịp thời tháo gỡ, bảo đảm giải ngân nguồn vốn đầu tư công đúng quy định. Tổ chức kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện tại cơ sở, kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết