Rà soát thật kỹ phạm vi sửa đổi
Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ Tám 3 dự án luật gồm: dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán và Luật Quản lý thuế.
Cả 3 dự án luật trên cũng được đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một Kỳ họp bởi theo Ban cán sự Đảng Chính phủ, đây đều là những dự án Luật có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn, được nhiều Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương và các đại biểu Quốc hội đề cập, cần sớm được Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ Tám tới.
Tờ trình bổ sung 3 dự án luật trên cũng vừa được Ủy ban Pháp luật thẩm tra tại phiên họp toàn thể ngày 19.9 và dự kiến Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37 vào cuối tháng này. Không chỉ gấp về tiến độ, 3 dự luật này còn có phạm vi sửa đổi, bổ sung lớn với nhiều chính sách mới, quan trọng. Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia có 18 chính sách; dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) có 5 chính sách và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu có 9 chính sách.
Nhiều nội dung được đề xuất sửa đổi cũng đang được chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trông đợi, đặt nhiều kỳ vọng. Đơn cử như: chính sách về tiếp tục tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án đầu tư xây dựng mới; quy định trình tự, thủ tục đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư. Hay chính sách về mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP; hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP nhằm tối đa hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân, bảo đảm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công; xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu và tăng cường phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu…
Với tinh thần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để khơi thông các nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng tiếp nhận đề nghị, hồ sơ, nghiên cứu trước các nội dung dự kiến trình Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng làm việc ngoài giờ hành chính, làm việc vào ngày nghỉ để kịp thời xem xét các hồ sơ, dự án. “Nếu đủ điều kiện, bảo đảm chất lượng thì sẽ trình Quốc hội. Tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, bảo đảm đời sống của Nhân dân”.
Dù thế, với quỹ thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội chỉ còn một tháng thì việc xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật kể trên với rất nhiều chính sách như vậy thực sự là một thách thức vô cùng lớn không chỉ với các cơ quan của Quốc hội mà còn với chính các cơ quan của Chính phủ. Sự gấp gáp về thời gian khó tránh được việc các chính sách không được xem xét, đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, thấu đáo. Cùng với đó, việc áp dụng quy trình một luật sửa nhiều luật, nếu không có đủ thời gian rà soát, đối chiếu có thể dẫn đến những mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, thậm chí là “sửa được chỗ này lại hổng chỗ kia”, làm phát sinh thêm những khó khăn, vướng mắc mới.
Tại Hội nghị Đảng Đoàn Quốc hội với Ban cán sự Đảng Chính phủ ngày 17.9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu, “khó đến đâu gỡ đến đó, tắc đến đâu thông đến đó", không quá cầu toàn nhưng cũng không được nóng vội trong việc xử lý những vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Và như vậy, để có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua 3 dự luật trên tại Kỳ họp thứ Tám thì phạm vi sửa đổi, bổ sung cần phải được rà soát lại. Chỉ nên tập trung vào những nội dung thực sự cấp bách, đang gây ách tắc, cản trở sự phát triển và phải là những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh tính đúng đắn để từ đó sửa đổi "đến nơi đến chốn, kịp thời phục vụ ngay cho nhiệm vụ quý IV.2024 và năm 2025" như tinh thần Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh. Những vấn đề dài hơi hơn, muốn sửa đổi toàn diện thì cần tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có đủ thời gian để Quốc hội xem xét, quyết định.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ra-soat-that-ky-pham-vi-sua-doi-post390942.html