Rà soát văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh: Các bộ phải cùng vào cuộc
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát 252 văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp, đấu thầu, đầu tư công, quy hoạch, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiều vướng mắc đã được gỡ trong luật
“Chúng tôi vừa có cuộc tọa đàm với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về rà soát quy định liên quan đến gia nhập thị trường quản trị doanh nghiệp. Họ đã nhắc tới Luật Đầu tư vừa được Quốc hội thông qua với 10 nhóm vấn đề khó khăn, chồng lấn giữa một loạt văn bản liên quan đến đầu tư, xây dựng, môi trường… đã được tháo gỡ. Doanh nghiệp mong các văn bản hướng dẫn cũng như việc thực thi sẽ tiếp tục tinh thần này”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam –VCCI) nói.
Là người được chỉ định phát biểu đầu tiên trong buổi làm việc của Đoàn kiểm tra việc thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tiến hành với nhóm công tác số 2 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, nên ông Tuấn không bỏ lỡ cơ hội truyền tải thông điệp từ doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 7/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, Nhóm công tác số 2 thực hiện rà soát các quy định pháp luật về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư (bao gồm đầu tư công) do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng làm Tổ phó Tổ công tác.
Mặc dù Báo cáo rà soát với những phát hiện về các nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bật cập, không phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội đang được quy định tại 19 văn bản (gồm 8 luật, 10 nghị định, 1 thông tư), nhưng thực tế, số tồn tại cần tiếp tục xử lý là 3 văn bản cần thay thế, 16 văn bản có nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Các vướng mắc chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư và doanh nghiệp là do pháp luật chuyên ngành như cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau, nhưng chưa có sự phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật nêu trên.
“Khi thực hiện rà soát các vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, những nội dung gì có thể sửa trong các văn bản luật mà bộ được giao chủ trì soạn thảo, chúng tôi đều đã nghiên cứu, phân tích và đưa vào các điều khoản cụ thể. Ngoài 10 nhóm vấn đề được xử lý trong Luật Đầu tư, có 5 vấn đề của pháp luật chuyên ngành (gồm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Điện ảnh) cũng đã được yêu cầu sửa đổi, để đảm tính đồng bộ, thống nhất trong các quy định của pháp luật. Tinh thần này cũng sẽ được tiếp tục thực hiện trong việc rà soát, đề xuất chính sách”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tiếp tục đòi hỏi phối hợp
Báo cáo rà soát đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn tất trước khi trình Chính phủ. Góp ý vào báo cáo này, ông Tuấn đề xuất danh mục 13 ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được phân tích, đánh giá kỹ về tính phù hợp, hợp lý.
"Luật Đầu tư vừa được Quốc hội thông qua đã bỏ thêm 20 ngành, nghề, nhưng vẫn còn những ngành có thể tiếp tục thay đổi phương thức quản lý khác thay vì điều kiện kinh doanh. Chúng tôi đề xuất nội dung này trong báo cáo của Nhóm 1 (do VCCI chủ trì, liên quan đến quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp), nhưng cũng đề xuất ở đây, vì việc này đòi hỏi sự tham gia của các bộ, ngành", ông Tuấn đề xuất.
13 ngành này gồm kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, kinh doanh đóng mới, hoán cả, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa...
Ý kiến từ các bộ Tài chính, Xây dựng cũng đề xuất thực hiện cùng phối hợp để xem xét, đánh giá các văn bản, quy định có liên quan giữa các bộ, ngành, để đảm bảo tính thống nhất.
Chia sẻ quan điểm này, thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, nhóm công tác sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để trao đổi cụ thể, vì các đề xuất thay đổi, sửa đổi, bổ sung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực…
Thực tế, những vướng mắc được phát hiện phần lớn có nguyên nhân từ sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, một số văn bản được xây dựng theo hướng thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa tính đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp để cải cách thủ tục hành chính.
“Đây là lúc các bộ, ngành phải làm việc, phối hợp chặt chẽ vì các vướng mắc không thể chỉ xử lý tại các văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mục tiêu là giải quyết vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật, để khơi thông, thúc đẩy nguồn lực trong xã hội”, ông Thắng trao đổi.
Ngay trong phần dự thảo kiến nghị mà Nhóm 2 đang hoàn tất, giải pháp lớn cũng được đưa ra là phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành để giải quyết các vấn đề quản lý đan xen, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Các bước lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu sự tác động, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về đánh giá tác động chính sách (đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật) cũng phải được thực hiện nghiêm túc, nhằm hạn chế thấp nhất việc ban hành các văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.
Bên cạnh đó, nhóm 2 cũng đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đội ngũ làm công tác rà soát, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan đến các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư vừa được Quốc hội ban hành, sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới, thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo tinh thần thúc đẩy sự phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội sẽ tiếp tục được cụ thể hóa.