Rà soát, xóa bỏ trùng lặp, chồng chéo

Mục tiêu cao nhất khi sửa đổi Luật Dầu khí là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động dầu khí; hài hòa các quy định trong Luật Dầu khí với các luật có liên quan, xóa bỏ trùng lặp, chồng chéo; bởi hoạt động dầu khí liên quan đến nhiều luật và việc rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý không còn phù hợp sẽ là 'liều thuốc' quan trọng để các dự án dầu khí được triển khai thuận lợi.

Công phu và khoa học
Cần cơ chế phù hợp để “giữ chân” các nhà đầu tư
Cú hích “đánh thức” dòng vốn đầu tư

Nhận diện đặc thù để luật hóa

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện có nhiều quy định trong các Luật chi phối hoạt động dầu khí như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng xung đột với Luật Dầu khí, thông lệ dầu khí quốc tế; không phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, biến động của kinh tế chính trị dầu khí thế giới, khu vực cũng như hiện trạng tài nguyên dầu khí và vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. Để thúc đẩy hoạt động dầu khí, cần giải quyết tất cả những vướng mắc đó.

Cho rằng việc đồng bộ Luật Dầu khí với các quy định của luật khác là một nhiệm vụ rất quan trọng, ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế khẳng định, hoạt động dầu khí liên quan đến nhiều luật. Ví dụ, để vận chuyển khí, cần xây dựng một đường ống dẫn khí và để triển khai hoạt động này phải thực hiện một số luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… Hay quyết định một dự án đầu tư có thể vừa phải theo Luật Dầu khí vừa đồng thời thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

"Như vậy, có tình trạng một vấn đề phải quyết định nhiều lần bởi một hoặc nhiều cơ quan, với thủ tục khác nhau, phải chuẩn bị nhiều hồ sơ khác nhau nhưng nội dung không khác biệt. Kết quả, làm trì hoãn, kéo dài quá trình thực hiện thủ tục, làm giảm hiệu quả hoạt động dầu khí, làm mất cơ hội kinh doanh, giảm tính hấp dẫn môi trường đầu tư" - ĐBQH Phan Đức Hiếu khẳng định.

Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư cho rằng, dù Luật Dầu khí thể hiện khá đầy đủ các giai đoạn, bước thực hiện đối với dự án thăm dò khai thác trong các hợp đồng dầu khí, song chưa chỉ rõ các thủ tục đầu tư đầy đủ khi doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư dự án dầu khí (Luật Đầu tư cũng không có quy định này). Điều này khiến việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn và làm nhiều doanh nghiệp nước ngoài nản chí khi có ý định đầu tư vào các dự án loại này, nhất là khi điều kiện khai thác các mỏ nhỏ ở vùng nước sâu, xa bờ đòi hỏi chi phí lớn.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật chỉ điều chỉnh hoạt động đầu tư của các bên với vai trò là nhà thầu dầu khí nói chung, còn với vai trò là nhà đầu tư vào thăm dò, khai thác dầu khí có sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các luật chung liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư.

Cần bổ sung các chính sách ưu đãi về thăm dò, khai thác dầu khí
Nguồn: ITN

Bảo đảm tính khả thi trong các quy định

"Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã có quy định quy trình thủ tục áp dụng cho hoạt động dầu khí theo chuỗi sản xuất, nhằm giải quyết bất cập nói trên, rút ngắn quy trình thủ tục, xóa bỏ chồng chéo. Các chuyên gia và nhiều ý kiến đánh giá cao nội dung này của dự thảo luật, nhưng lưu ý rằng, cần thiết kế một quy trình đủ rõ để thực hiện ngay. Đây là nội dung rất quan trọng nhưng về mặt kỹ thuật cũng sẽ có những thách thức, cần rà soát, quy định càng chi tiết càng tốt, nhằm bảo đảm tính khả thi" - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Mặt khác, dự thảo Luật cũng đã tập trung cải cách thể chế, cải cách trình tự thủ tục, hài hòa với các quy định hiện hành nhằm thực hiện các dự án dầu khí một cách thuận lợi hơn. Trong đó, quy định rõ quy trình, thủ tục đầu tư dự án dầu khí theo chuỗi, bảo đảm rõ ràng, chi tiết và có thể áp dụng được ngay, khắc phục được những vướng mắc hiện nay trong thực hiện dự án dầu khí cả trên biển lẫn trên đất liền.

TS. Ngô Thường San, nguyên Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, với những phát hiện khí trữ lượng cực lớn gần đây là cơ sở để xem “khí thiên nhiên” là tài nguyên hydrocarbon tiềm năng, năng lượng sạch của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm cho sự thành công và hiệu quả để phát triển các mỏ khí là tính đồng bộ về thời gian, kế hoạch, trình tự hoàn thành các khâu. Hiệu quả toàn dự án là hiệu quả chuỗi vì thế sự chậm trễ và tính không đồng bộ trong các quy định pháp luật có thể sẽ dẫn tới mất thời cơ, gây ra thiệt hại không đáng có. Vì vậy, cần xem xét quy định rõ trong dự thảo Luật về nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để giảm xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan...

Cho rằng việc triển khai các dự án dầu khí ở lĩnh vực trung nguồn và hạ nguồn như chế biến khí, điện khí cũng gặp trắc trở bởi sự chồng chéo về văn bản quy phạm pháp luật và một loạt thông tư hướng dẫn của các bộ, liên bộ, ngành liên quan; nhiều chuyên gia kiến nghị sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, lập và thẩm định dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cho đến quản lý quá trình triển khai xây dựng và kết thúc đưa dự án vào vận hành khai thác. Cụ thể như việc triển khai các dự án đường ống dẫn khí từ mỏ/miệng giếng khai thác ngoài khơi về bờ và đến các hộ tiêu thụ (nhà máy điện, nhà máy đạm...), phải bảo đảm đồng bộ về đầu tư giữa hoạt động khai thác, vận chuyển và sử dụng khí.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung các chính sách ưu đãi cụ thể về thăm dò, khai thác cũng như hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài đối với các loại dầu khí phi truyền thống; rà soát, đối chiếu với pháp luật về đầu tư, thuế và pháp luật khác liên quan để có những quy định ưu đãi hấp dẫn nhà đầu tư.

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/ra-soat-xoa-bo-trung-lap-chong-cheo-i304526/