Rà soát, xử lý tài sản công dôi dư

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh việc sắp lại bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc dôi dư không ít trụ sở và tài sản công, đòi hỏi cần có giải pháp rà soát, xử lý dứt điểm để tránh gây lãng phí tài nguyên và ngân sách.

Trụ sở cũ của phường Lương Châu được bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và một số hội, đoàn thể của TP. Sông Công sử dụng. Ảnh: T.L

Trụ sở cũ của phường Lương Châu được bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và một số hội, đoàn thể của TP. Sông Công sử dụng. Ảnh: T.L

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2019-2021, tại 53 địa phương, 34 bộ, cơ quan Trung ương có 6.902 tài sản công dôi dư cần phải sắp xếp, xử lý sau sáp nhập. Trong khi tài sản dôi dư còn chưa xử lý xong, thì đợt sắp xếp giai đoạn mới đã đến.

Cụ thể, giai đoạn 2023-2025 sẽ có 50 đơn vị cấp huyện và 1.243 đơn vị cấp xã tiếp tục sắp xếp. Trong khi đó, các trình tự, thủ tục thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công theo quy định phải trải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên thời gian thực hiện thường kéo dài.

Theo đánh giá, việc giải quyết các trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là định giá đất và tài sản. Vướng mắc lớn nhất là công tác xác định giá đất, giá tài sản, đặc biệt là phương pháp định giá và thuê doanh nghiệp thẩm định giá.

Để tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

Thủ tướng lưu ý việc hiện đại hóa công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tổ chức thực hiện nghiêm tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, thời gian hoàn thành tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2024.

Đối với Thái Nguyên, trong những năm qua, tỉnh đã nghiêm túc triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, Thái Nguyên đã giảm được 6 đơn vị hành chính cấp xã (hiện còn 172 đơn vị hành chính cấp xã); sáp nhập nhiều xóm, tổ dân phố; kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong, giảm đầu mối cấp phòng, giảm cấp trung gian; thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Để không lãng phí tài sản công, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo người đứng đầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành và cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát lại việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị mình; tổ chức theo dõi, hạch toán đầy đủ về giá trị, số lượng, không để tình trạng tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm đưa vào sử dụng nhưng không theo dõi trên sổ kế toán, sử dụng sai mục đích, gây thất thoát, lãng phí; rà soát, lập báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý đối với nhà, đất phải sắp xếp trình cấp có thẩm quyền. Đề xuất việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất; bố trí sử dụng, xử lý tài sản dôi dư theo đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại nhiều cơ quan, ban, ngành và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, xóm, tổ dân phố. Chính vì vậy, thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xử lý tài sản công sẽ giúp tránh lãng phí và có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Nhị Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/theo-dong-thoi-su/202412/ra-soat-xu-ly-tai-san-cong-doi-du-bb8281f/