Ra sức cống hiến góp phần xây dựng quê hươngTin khácPhát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vữngLập thành tích chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh: Điểm nhấn từ phong trào thi đua đặc biệt

Họ khác nhau về độ tuổi, lĩnh vực, ngành nghề công tác, nhưng điểm chung giữa họ là sự nhiệt huyết, luôn nỗ lực, phấn đấu, hết mình vì cộng đồng – Đó là những công dân Lạng Sơn ưu tú được tôn vinh ngày 25/10 vừa qua. Phóng viên Báo Lạng Sơn đã có cuộc phỏng vấn những cá nhân điển hình này.Ông Nguyễn Anh Nhưỡng, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Lạng SơnÔng Nguyễn Trung Chắt, Giám đốc Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn tại huyện Hữu Lũng và Trung tâm Hy vọng Lộc Bình tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng SơnÔng Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bảo LongBà Nghiêm Thị Thu Hường, chủ Cơ sở may công nghiệp người khuyết tật tỉnh Lạng SơnÔng Nông Văn Hữu, vận động viên Wushu, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Lạng Sơn

Ông Nguyễn Anh Nhưỡng, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh: “Còn sức sẽ còn cống hiến”.

Từ năm 1964 đến nay, tôi đã công tác trên nhiều lĩnh vực tại tỉnh, ở lĩnh vực nào, tôi cũng tự nhủ phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, còn sức khỏe sẽ tiếp tục cống hiến hết mình để đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh.

Đặc biệt, với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội cựu TNXP từ năm 2005, tôi đã nỗ lực làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn và UBND các huyện, thành phố, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến cư trú trên địa bàn tỉnh. Từ đó đến nay, không còn hồ sơ tồn đọng, không có tiêu cực.

Bên cạnh đó, tôi cùng ban lãnh đạo Hội cựu TNXP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo hội cựu TNXP các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào cựu TNXP thi đua xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả. Thời gian qua, các cựu TNXP trên địa bàn tỉnh đã hiến trên 23 nghìn mét vuông đất, ủng hộ trên 1,5 tỷ đồng, đóng góp trên 53 nghìn ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới…

Thời gian tới, tôi tiếp tục cùng các cựu TNXP đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình đồng đội, chăm sóc, giúp đỡ, sẻ chia với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn để họ tiếp tục vững tin vào cuộc sống.

– Sinh ngày 6/8/1943; dân tộc: Kinh; quê quán: thôn Phú Xuân, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; hộ khẩu thường trú: số nhà 9, ngõ 91, đường Lê Đại Hành, khối 7, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

– Thành tích nổi bật: Đã phối hợp với các cấp, ngành tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết chế độ cho 8.643 cựu thanh niên xung phong; có nhiều thành tích trong vận động, đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ông là 1 trong 10 thanh niên xung phong điển hình các thời kỳ; được Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” năm 2016.

Ông Nguyễn Trung Chắt, Giám đốc Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn tại huyện Hữu Lũng và Trung tâm Hy vọng tại huyện Lộc Bình: “Hy vọng về những điều tốt đẹp nhất”.

Xuất phát từ tận đáy lòng mình, tôi luôn luôn suy nghĩ rằng, trẻ em, đặc biệt là đối với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi không nơi nương tựa… luôn cần được chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ, để các cháu trưởng thành, trở thành người tốt trong xã hội … Với những suy nghĩ đó, tôi đã thành lập các trung tâm để gúp đỡ, nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn 10 năm qua, hàng trăm em nhỏ đã được học tập, nuôi dưỡng, trưởng thành từ những ngôi nhà của Trung tâm Hy vọng. Trong đó, nhiều em đã trưởng thành, có những công việc tốt, làm chủ cuộc sống của mình, có đóng góp hữu ích cho xã hội. Đặc biệt, trong đó có những em đã quyết định trở về với trung tâm để tiếp tục nuôi “hy vọng” cho những em nhỏ cùng cảnh ngộ đang lớn lên dưới mái nhà chung đầy tình yêu thương.

Trong thời gian tới, tôi tiếp tục vận động các nhà hảo tâm chung tay xây dựng các trung tâm khang trang hơn, tiếp tục nhận, nuôi dạy các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, đồng thời, mở rộng thêm các lĩnh vực hoạt động của trung tâm như: nhận và chăm sóc người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em tự kỷ…; góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và thúc đẩy sự phát triển chung của Lạng Sơn.

– Sinh ngày 25/2/1952; dân tộc: Kinh; quê quán: xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; hộ khẩu thường trú: số 138A Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

– Thành tích nổi bật: Thành lập và xây dựng 2 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, tiếp nhận và chăm sóc gần 200 trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn; có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ông là 1 trong 10 người nhận giải thưởng tình nguyện Quốc gia năm 2019; được các cấp tặng 4 bằng khen.

Ông Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long: “Nâng tầm sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Xứ Lạng”.

Với mong muốn cải tiến, chế tạo các loại máy móc giúp người nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất nông nghiệp, năm 1998, tôi cùng các cộng sự của mình đã khắc phục khó khăn, tìm tòi, học hỏi, bắt tay vào sản xuất máy bơm nước. Trải qua 23 năm, đến nay, sản phẩm máy bơm nước thương hiệu “Bảo Long” – một trong những sản phẩm công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn đã có mặt tại khắp các địa phương trong cả nước và một số quốc gia trong khu vực.

Với cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân công ty, đến nay, Công ty TNHH Bảo Long đã và đang trở thành cánh chim đầu đàn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Hiện doanh nghiệp đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động là người địa phương.

Không chỉ thành công trong hoạt động kinh doanh, trong những năm qua, công ty cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội và thiện nguyện trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, tôi cùng ban lãnh đạo công ty tiếp tục đổi mới, chú trọng xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, giữ vững uy tín, thương hiệu, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa để phục vụ người dân. Qua đó, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp một phần vào sự phát triển của tỉnh Lạng Sơn.

– Sinh ngày 30/8/1965; dân tộc: Kinh; quê quán: Phong Thạch, Giá Rai, Bạc Liêu; hộ khẩu thường trú: số 9 đường Trần Quốc Toản, thành phố Lạng Sơn.

– Thành tích nổi bật: Là chủ doanh nghiệp chế tạo hàng đầu trên địa bàn tỉnh; sản xuất các sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu “Bảo Long”; tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn và có nhiều đóng góp cho hoạt động an sinh, xã hội của tỉnh. Được các cấp tặng 4 bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Bà Nghiêm Thị Thu Hường, chủ Cơ sở may công nghiệp người khuyết tật tỉnh Lạng Sơn: “Giúp đỡ người khuyết tật khẳng định bản thân”.

Qua tiếp xúc và tìm hiểu, tôi biết rất nhiều người khuyết tật trên địa bàn mong muốn được hòa nhập cộng đồng, được tạo cơ hội làm việc để ổn định cuộc sống, bởi vậy, từ năm 2014, vợ chồng tôi đã mở cơ sở may công nghiệp với 100% lao động là người khuyết tật.

Trong những năm qua, cơ sở của chúng tôi đã chăm lo, đào tạo nghề miễn phí cho 65 người khuyết tật, tổng giá trị hoạt động hỗ trợ ăn nghỉ, đào tạo và tạo việc làm cho các học viên đạt trên 3 tỷ đồng. Tại đây, nhiều người khuyết tật được học nghề và được trực tiếp tham gia lao động, sản xuất kiếm sống bằng sức lao động, làm chủ cuộc sống của mình.

Đến nay, vợ chồng tôi luôn tâm niệm đây là hướng đi đúng đắn, là cách “cho đi” để làm nên những điều tốt đẹp cho xã hội. Hiện nay, số lượng người khuyết tật mong muốn có việc làm ngày càng nhiều. Từ thực tế đó, vợ chồng tôi đang nỗ lực để mở rộng cơ sở nhằm đón thêm người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vào làm việc, giúp họ khẳng định giá trị của bản thân, được cống hiến cho xã hội và sống hạnh phúc, đóng góp sức mình vào xây dựng quê hương Xứ Lạng ngày một giàu, mạnh.

– Sinh ngày: 31/12/1979; dân tộc: Kinh; quê quán: xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; nơi thường trú: số nhà 17 đường Trần Phú, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn.

– Thành tích nổi bật: Thành lập cơ sở may công nghiệp cho người khuyết tật (năm 2015); đào tạo miễn phí cho 65 người khuyết tật biết nghề may; tổng giá trị hỗ trợ người khuyết tật trong 6 năm qua đạt trên 3 tỷ đồng; được các cấp tặng 4 bằng khen.

Ông Nông Văn Hữu, vận động viên Wushu, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Lạng Sơn: “Khát khao cống hiến cho sự phát triển của thể thao tỉnh Lạng Sơn”.

Niềm đam mê võ thuật đã nhen nhóm trong tôi từ nhỏ. Năm 2011, khi 12 tuổi, tôi vượt qua vòng sơ tuyển và có tên trong danh sách vận động viên năng khiếu tập trung môn Wushu tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh.

Quá trình học tập, rèn luyện và thi đấu trải qua nhiều gian nan, vất vả nhưng quan trọng nhất là bản thân được sống trọn với đam mê bộ môn mình yêu thích, được cống hiến, ghi danh thành tích của Wushu tỉnh nhà trong các giải đấu.

Trong những năm qua, trước mỗi giải đấu, tôi đều đề ra những mục tiêu cụ thể và luôn mong muốn góp sức trẻ mang về thành tích tốt nhất cho bộ môn Wushu nói riêng và thể thao của tỉnh Lạng Sơn nói chung. Qua các giải đấu, tôi đã giành được 19 huy chương các loại.

Là vận động viên Wushu của đội tuyển quốc gia, tôi đang tiếp tục luyện tập và mong muốn được cọ sát, thi đấu tại những giải đấu quốc tế để cống hiến, đóng góp sức mình vào thành tích chung cho đội tuyển. Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm được rèn luyện qua các giải đấu trong nước và quốc tế, tôi rất mong muốn được cùng các thầy ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh tiếp tục hướng dẫn, đào tạo lớp vận động viên trẻ của tỉnh, góp phần vào sự phát triển của thể thao tỉnh nhà.

– Sinh ngày 1/6/1999; dân tộc: Tày; quê quán: thôn Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn; hộ khẩu thường trú: thôn Thạch Khuyên, xã Xuất lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

– Thành tích nổi bật : Tham dự thi đấu các giải trên toàn quốc đạt 19 huy chương các loại (5 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 7 huy chương đồng); là vận động viên kiện tướng quốc gia; được các cấp tặng 4 bằng khen, 2 giấy khen.

NHÓM PV

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/459083-ra-suc-cong-hien-gop-phan-xay-dung-que-huong.html